TƯỞNG NHỚ NHẠC SĨ VĂN PHỤNG 

 

 

Gần đến Lễ Giáng Sinh 2009, tôi có dịp nói chuyện phiếm qua điện thoại với Nhà Văn Lê Văn Phúc, được anh cho biết Giỗ thứ 10 của Nhạc Sĩ Văn Phụng (NS VP) vào đầu tháng 12. Hiền thê của anh là chị Thy Nga cũng vừa thực hiện một chương trình "Văn Phụng-Một Đời Cho Âm Nhạc" trên Đài RFA (Radio Free Asia- Á Châu Tự Do). Trong chương trình đặc biệt có phỏng vấn Ca sĩ Châu Hà, hiền thê thứ hai của Nhạc sĩ Văn Phụng, hiện cư ngụ tại Fairfax, Virginia và trưởng nữ Phương Loan hiện ở Canada.

Sau khi nghe chương trình này, tôi có cảm hứng nên viết thư cho một số thân hữu để kêu gọi cùng nhau: 1/. làm một chương trình Tưởng Nhớ NS VP trên website Cỏ Thơm và 2/. nếu thuận tiện, làm một chương trình văn nghệ ở James Lee Center, Virginia vào cuối năm 2010, với sự hiện diện của gia đình NS VP.

Ngược dòng thời gian, chúng tôi có cơ duyên gặp Nhạc Sĩ Văn Phụng và Ca sĩ Châu Hà khi Ông Bà vừa đặt chân đến Hoa Kỳ - khoảng 1978 hay 1979 - và ghé thăm Richmond, Virginia. Hôm ấy, ở nhà chị bạn Thái Phượng, Bà Châu Hà đã hát một số bài trong đó có bài nổi tiếng Suối Tóc  Ave Maria - một bài NS VP mới sáng tác năm 1976. Tôi không ngờ giọng hát của Bà còn quá tốt, trong, cao và vì ngồi gần nên nghe tiếng ngân thật điêu luyện. Sau này, Ông Bà có ghé thăm chúng tôi khi cô con gái lớn vào một trường Đại Học ở đây. NS VP rất giản dị, vui vẻ, cởi mở và chân tình. Tuần trước, chị Thái Phượng đã chịu khó tìm lại cho tôi bản gốc bài Ave Maria, một số hình ảnh và những băng cassettes thật quý do chính NS VP tặng cho gia đình chị. Nói đến hình ảnh, tôi cũng không quên cái may mắn chụp lại một số hình ở nhà NS Nguyễn Túc vào khoảng tháng 5 năm 2009, trước khi Ông qua đời. Trong số hình đó có một tấm thật hiếm: Văn Phụng chụp chung với Nhạc Sĩ Nhật Bằng, Nhạc Sĩ Nguyễn Túc, Ca sĩ Anh Ngọc, Ca sĩ Quỳnh Giao, Ca Sĩ Minh Trang, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng và một số bạn bè yêu âm nhạc vùng Hoa Thịnh Đốn. Nhạc sĩ Nguyễn Túc cũng tâm sự với tôi: Văn Phụng là người nhạc sĩ có dòng nhạc và cách chơi nhạc "bay bướm", "nghệ sĩ nhất" trong số các nhạc sĩ cùng thời. Ông thích tiếng kèn clarinet của NS VP còn hơn tiếng đàn piano nữa và khen người bạn thân của mình chịu khó học hỏi kỹ thuật mới cho dù khi qua Hoa Kỳ đã lớn tuổi.

Trong lúc biên soạn chương trình này, tôi có dịp thư từ qua lại với chị Phương Loan, trưởng nữ của NS VP ở Ottawa, Canada và bạn của chị là Thái Hiền (Montreal, Canada) - người cũng thích hát nhạc của NS VP. Chị đóng góp bài Ô Mê Ly - với phần hòa âm và hát bè của Nhạc sĩ Thế Phương. Chị Phương Loan cũng gởi bài Xuân Họp Mặt, do con trai duy nhất của NS VP là Văn Phụng Hoàng hoà tấu. Tuy chưa gặp mặt nhưng tôi có thể tưởng tượng tính tình của anh Hoàng qua tiếng đàn chen nhiều nhạc cụ vui tươi dí dỏm! Tôi đã nghe lại băng nhạc video Thúy Nga Paris số 27, dành riêng cho Nhạc Sĩ Văn Phụng. Đây là một video tôi ưng ý nhất về phương diện nhạc - có lẽ NS VP đã cố vấn chăng ? Một số lai lịch bài hát đã được NS VP "tiết lộ" một cách duyên dáng trong phần phỏng vấn mở đầu các bài hát.

Tôi cũng khám phá ra nhiều điều thú vị khi làm chương trình này:
1. Một số nhạc phẩm rất hay nhưng ít phổ biến của NS VP như: Xuân Thôn Dã, Lời Nhi Nữ, Đón Xuân Thanh Bình, Gió Chiều, Tạ Ơn Thượng Đế, Tiếng Vang Trên Đồi, Xuân Về Trên Non Sông Việt Nam, Thuyền Xưa Bến Cũ ... và lai lịch một số bài như Ô Mê Ly và Ghé Bến Đà Giang ...
2. Lời nhạc đăng trên một số lớn websites không đúng như băng nhạc Tơ Vàng 5 do chính Bà Châu Hà hát trước 1975 (tôi nghĩ nếu không có bản nhạc chính thì nên xem đó là chuẩn)
3. Chán Nản (1972) không phải là nhạc phẩm "cuối cùng" của NS VP. Ông đã sáng tác Ave Maria năm 1976 và một số nữa khi ở trại tị nạn Mã Lai, như "Tạ Ơn Thượng Đế" - Khánh Ly hát trong phần "Nhạc Văn Phụng qua nhiều thế hệ" ở dưới - và những bản như Thương Về Quê Mẹ khi đến Hoa Kỳ (xin xem chữ viết của Ông ở bìa sau bản Ave Maria)
4. Nét chữ của NS Văn Phụng rất đẹp và bay bướm (qua thủ bút bài Ave Maria)
5. Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn có lẽ là bản nhạc phổ thông nhất, được nhiều ca sĩ chọn hát và thính giả yêu mến qua nhiều thập niên
6.
Sau khi NS VP qua đời, ca sĩ Thùy Dương đã cho ra mắt một CD tên "Dòng Thời Gian - Văn Phụng" năm 2000.
7. Thế hệ ca nhạc sĩ "trẻ" ở Việt Nam bây giờ cũng còn nhận thấy nét đẹp ở nhạc Văn Phụng và trên thị trường đã có một CD tên "Nhũng Tình Khúc Văn Phụng - Trăng Sáng Vườn Chè ".

Chương trình này không thể thực hiện một cách tốt đẹp và đúng thời hạn nếu không được nhiều thân hữu bỏ thì giờ thu âm, hòa âm, viết bài (hay tìm bài viết cũ), cho phép đăng bài v v. Một số bạn chịu khó tìm và gởi: bản nhạc, tài liệu, hình ảnh, nhạc từ cassettes, CD, DVD... Thành thật cảm ơn: NS Thanh Trang, NS Lê Văn Khoa, Ca sĩ Quỳnh Giao, NS Linh Phương, NS Nguyễn Ngọc Châu, NV Lê Văn Phúc, Phóng viên Thy Nga, NV Nguyễn Đức Nam, NS Phạm Anh Dũng, NS Trần Đại Phước, NS Nguyễn Tường Vân, NS Hoàng Cung Fa, NS Thế Phương, Thái Hiền, Văn Phụng Hoàng, Phương Loan, Minh Châu, Hoàng Dung, Sĩ Tuấn, Sĩ Tường, Thái Phượng, Hoàng Anh, Minh Trân, Hiếu Tâm, Hiếu Thuận, Hiếu Trang, Vũ An Thanh, Bạch Cúc, Hoàng Tiếp, Thái Ninh và Tâm Hảo ...

Mong quý vị tìm lại được những cái hay, đẹp, tươi vui và độc đáo của "Nhạc Văn Phụng". Chúng ta cùng nhớ lại những kỷ niệm với Ông và thời kỳ vàng son của Tân Nhạc Việt Nam trước 1975. Mọi ý kiến xây dựng xin gởi về Phan Anh Dũng: dathphan@comcast.net

Phan Anh Dũng 

(Richmond, Virginia - USA / 5 tháng 2, 2010 - trước Tết Canh Dần)

Nguồn: www. cothommagazine.com