Dự đám cưới con gái bạn

Chủ Nhật vừa rồi vợ chồng tôi đi dự đám cưới con gái của một cô bạn cũ của tôi ở Trung Học Hùng Vương, Sài-Gòn. Vì trường tôi quá nổi tiếng, rất nhiều người hỏi tôi trường Hùng Vương ở đâu?

Một lần nữa, nếu ai không biết trường Hùng Vương ở đâu thì tôi xin ghi chi tiết: nó gần Ngã Ba Chú Ía dưới cầu chữ Y, đi ngang Ngã Ba ông Tạ gần Động Đình Hồ độ mười phút (có trạm xe đò chở đi nhà thương điên Biên Hòa) thì sẽ thấy bên trái là Nghĩa địa Mạc Đĩnh Chi, bên phải là trường nổi tiếng nhất thế giới Việt Nam Cộng Hòa của tôi: Trung học Hùng Vương.

Chúng ta ai cũng có bạn trong năm giai đoạn của cuộc đời: bạn Tiểu học, bạn Trung học, bạn Đại Học, bạn trong môi trường làm việc, và bạn láng giềng (Còn nhóm bạn thứ sáu là bạn bên kia thế giới, nhưng tôi không dám gặp nên xin miễn bàn trong phạm vi bài viết này. Tôi sợ đề cập đến nhóm bạn này thì vài người bạn cũ tối sẽ rủ tôi đi nói chuyện trực tiếp nên xin miễn đề cập).

Trong năm nhóm bạn trên, chỉ có bạn Trung học là thân. Bạn Tiểu học nhỏ quá không biết gì và cũng không nhớ học chung với ai, ngọai trừ những anh có hành động đặc biệt cả lớp không bao giờ quên, như tôi nhớ mãi Trần Tấn Điểm một ngày đẹp trời đái ướt quần trong lớp (anh này khi bé đã sợ vào cầu tiên bẩn khủng khiếp trong trường học Việt Nam).

Bạn Đại học chỉ cắm cúi học cho nhanh ra trường, thì giờ tiêu khiển với sách vở nhiều hơn thì giờ tiêu khiển với bạn học. Bạn ở sở làm đầu óc không còn ngây thơ trong trắng như còn bé; đầu óc bận rộn căng thẳng đối đầu cuộc sống, ít người thân. Bạn láng giềng thì ai cũng sợ tối ngày họ qua nhà mượn mình con dao, cái nồi, hai củ khoai Tây, một chai nước mắm…, phá rối khung cảnh mơ mộng romantic của đôi vợ chồng đang cần sự yên lặng nghỉ ngơi. Chỉ còn lại bạn Trung học là cùng trong tuổi vừa mới lớn vô tư lự, không phải lo lắng kiếm tiền, và ít ra trong bọn con trai chúng tôi thì tối ngày chỉ lo “cua” cô này cô kia nên đó là thời gian huy hoàng nhất. Vì thế, bạn trong nhóm tuổi này dễ thân hơn, vẫn còn giữ liên lạc đến ngày nay.

Cô bạn tôi ở khu người Việt dưới Orange County nên đám cưới cũng ở dưới đó. Tôi ở xa khu phố người Việt nên nếu có dịp đến thì không thể nào bỏ lỡ cơ hội, giống như dân Bắc Hàn được dịp gặp Kim Jong Un thì nhất định phải đi vì cơ hội trăm năm chỉ đến… nhiều lần.

Môn giải trí của tôi là chụp hình nên nhân tiện tôi có dịp chụp hình đám cưới cho vui, để biểu dương những thành tích, chiến công, tầm cao trí tuệ, bản lĩnh An Nam thời đi học tôi làm nghề chụp hình đám cưới. Tôi có dịp cho cô bạn tôi thấy tài chụp hình của tôi thành công nhất, có giá trị trong sự việc xây dựng bảo vệ Tổ quốc, vang vọng mãi như một khúc thiên hùng ca bất tử của thế kỷ 20. (Gớm, chỉ còn ba năm nữa thời gian tôi ở Mỹ sẽ là 50 năm thế mà bản tính Bắc Kỳ An Nam Mít nói phét của tôi vẫn còn…phét như thuở nào).

Cô bạn dặn tôi đến sớm 8 giờ để chuẩn bị nhà trai sẽ đến lúc 9 giờ. Tôi chỉ có nhiệm vụ chụp hình, đâu có nhiệm vụ trọng đại làm make up cho cô dâu phải cần 40 ngày 40 đêm đâu mà phải đến sớm, thế nhưng vâng theo chỉ thị, tôi rời nhà lúc 6 giờ 30 sáng, lái 80 miles (120 km), đến nơi lúc 7:50 AM.

Ai than phiền hệ thống freeway của Los Angeles xe cộ đông đúc thì nên đi du lịch Việt Nam hay Thái Lan. Ở những quốc gia này, nhà trai sẽ kẹt xe ứ đọng trên đường đến nhà gái. Ùn tắc và thời gian lâu lắc đến nỗi khi đến nơi thì cô dâu 28 tuổi đã trở thành bà già 60.

Ba cô con gái của tôi chúng lấy chồng Mỹ nên đám cưới cũng theo kiểu Mỹ, không theo truyền thống Việt. Truyền thống lễ cưới Việt tuy rườm rà nhưng vui nhộn và cho thấy rõ ràng là có lễ hội đám cưới: phe địch đến nhà phe ta bắt cóc công chúa, phe ta phải chạy theo qua bên nhà phe địch. Trong lúc hai bên chạy qua chạy lại như thế thì khách khứa được ăn thả cửa. Như thế thì còn gì bằng vì tất cả thức ăn miễn phí, tôi không phải trả tiền.

Đây là Lễ Vu Quy, ảnh nhà trai qua nhà gái xin phép rước cô dâu về nhà trai:

Bố mẹ cô dâu: anh Phước và Mai Hương (MH là bạn học Hùng Vương với tôi)

Và rồi nhà gái đến dự lễ Tân Hôn ở nhà trai:

sau khi đã qua bên nhà gái,

cả phái đoàn trở lại nhà trai.

bắt cóc nàng xinh đẹp mảnh mai:

dâu, ngồi trên xích lô máy.

 

tôi sang Mỹ từ thời Đồng Đá,

nên không nhớ nghi lễ rườm rà,

của con dân cháu chắt Hùng Vương,

khi nói đến vấn đề cưới gả.

 

heo quay bên nhà trai mang tới,

chưa thì giờ mang nó ra xơi.

lại ăn đủ món khác tuyệt vời,

nhà trai mua ở bên Bình Thới.

 

đám cưới người mà tôi nôn nóng,

lạy ông Trời, tôi ngóng trông mong.

đêm đến nhanh, bắt vợ vào giường,

tôi ra tay …con thuyền dậy sóng.

Một giờ trưa lễ xong ở nhà trai, chúng tôi về lại nhà cô dâu nghỉ đến chiều 6 giờ thì đến dự tiệc ở nhà hàng.

Nhà trai đem qua con heo quay, nhà gái chưa cắt. Về đến nhà thì một cô bạn khác chồng là người Hoa nói với mẹ cô dâu là theo phong tục của người Hoa thì nhà gái phải cắt cái đầu heo quay, phần đuôi, và hai chân đưa lại cho nhà trai “trả lễ”. Thế là chồng cô bạn tôi đem con heo quay ra xử lý theo lời chỉ dẫn.

Tôi vì bận chụp hình nên không biết là khi nhà trai xong lễ ở nhà gái thì nhà gái đã gom góp một nửa quà sính lễ (của nhà trai mang qua) trả lại cho nhà trai. Chỉ có heo quay là chưa trả vì không có thì giờ cắt. Bây giờ có thì giờ nên mới cắt và cắt thế nào thì cứ theo lời chỉ dẫn của cô bạn có chồng là người Hoa, là người có trăm năm kinh nghiệm về lãnh vực này.

Thú thật là tôi chẳng biết gì về việc “lại quả” (nhà gái trả lại vật sính lễ nhà trai mang đến) cho nhà trai.

Tôi lên Internet tìm hiểu thì nhiều mạng khác nhau giải thích tục lệ “lại quả” đại khái như thế này:

“Nhà gái sẽ chia đồ lại quả cho nhà trai và trả lại các mâm tráp. Lưu ý, khi chia đồ lại quả không được dùng kéo cắt mà phải xé bằng tay, đồ lại quả phải là số chẵn (thông thường là 10 lễ vật) và khi nhà gái trả lại mâm tráp phải để ngửa nắp lên, không được đóng lại.”

Hầu hết các trang mạng nói phải trả lại quà, nhưng không nói trả lại bao nhiêu. Vì không đồng nhất, không rõ ràng, tôi xin phép viết tục lệ “lại quả” để nhỡ có gia đình nào không biết trả lại thế nào là đúng thế nào là sai thì cứ theo lời chỉ dẫn của tôi sau đây:

1.Nhà gái không cần lại quả lại kiếc gì hết cho đỡ phiền phức, được việc nhà nước. Nếu nhà trai muốn giữ lại phần nào thì họ đã lấy ra, để lại ở nhà họ rồi. Thành ra bao nhiêu quà nhà trai đem qua thì nhà gái ôm hết cho gọn.

2.Nếu nhà gái muốn “lại quả” thì tiến hành như sau đây:

-Tiền, vàng vòng, dollars… mình giữ hết, không cho lại.

-Gọi điện thoại hỏi hết họ hàng nhà mình: Cô Ba, Thím Tư, Dượng Sáu, má thằng Cu, ba thằng Tèo…hỏi họ có muốn lấy quà sính lễ hay không. Nếu họ muốn thì đưa cho họ hết. Chỉ khi nào còn dư thì mới làm ơn làm phước trả lại nhà trai.

-Trả vật gì, và trả bao nhiêu: Mỹ không ai ăn cau nên mình trả cau lại hết cho nhà trai. Xôi gấc thì giữ lại xôi, trả lại nhà trai hột. Chuối trả lại một trái xé ra từ nải chuối. Heo quay thì cắt cái đuôi, bốn cái móng chân, phần đầu con heo từ hai cái tai về cái mũi, trả lại nhà trai.

Có hai trường hợp ngoại lệ:

1.Cô nào lấy Mỹ thì miễn nhà trai mang sính lễ khi qua nhà gái xin cưới. Lý do là vì tía mấy anh Mỹ cũng không biết mua cau hay mua heo quay ở đâu.

  1. Nếu nhà trai nghèo không mang nhiều sính lễ thì vì quà ít quá không đủ đóng sở hụi, nhà gái không cần trả lại một món nào hết.

Chiều 6 giờ tiệc cưới làm ở nhà hàng Việt Nam, chỗ ngồi rộng rãi. Phần giải trí ca nhạc có một điểm tôi thấy hơi khác thường là không thấy quan khách tranh giành lên hát. Chỉ trừ người nào muốn hát bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, còn không thì ai muốn hát là có thể lên hát ngay (người muốn hát bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng chẳng những không được hát mà tối trên đường ra về sẽ bị thủ tiêu, cảnh sát không tìm được xác).

The new couple and the old couple

Bố mẹ cô dâu

Bố mẹ chú rể

Dịp này tôi cũng gặp lại một số bạn học và Thầy Cô cũ ở trường Hùng Vương.

Thầy Phong và cô Thủy

Quyền, Phúc, Thầy Phong, Giang Tiên, và tôi

Vì giải đá banh World Cup vừa mới xong, khi bọn con trai nói chuyện, chúng tôi nhắc lại thuở nhỏ đá banh đi chân không, đá cả tiếng uống nước ừng ực mà chẳng một lần đi tiểu. Bây giờ đêm ngủ chỉ có sáu tiếng mà thức dậy tám lần đi giải vì già!

Tiếc nuối thời trẻ tuổi năm mươi năm về trước đã đi không bao giờ trở lại, tiệc cưới xong trên đường lái xe về nhà, tôi nghe đi nghe lại lời bản nhạc “Buồn nào hơn đêm nay”.

 

Nguyễn Tài Ngọc

December 2022

saigon3.gif