Gần 25 năm trôi qua kể từ ngày xuất hiện, cổng PS/2 vẫn giữ một nét truyền thống lâu đời vốn có của nó khi vẫn xuất hiện trên các bo mạch chủ hiện đại ở hiện tại. Nên nhớ, cổng PS/2 được sử dụng để kết nối chuột và bàn phím với hệ thống PC, trước khi bị cổng USB thay thế dần.
Trong nhiều bo mạch chủ hiện đại ngày nay, cổng PS/2 vẫn xuất hiện trên I/O panel như là một đặc trưng nổi bật. Tuy nhiên, thay vì trang bị 2 cổng PS/2 như các bo mạch chủ cũ ngày trước, các bo mạch hiện đại chỉ trang bị một cổng PS/2 có chức năng kép (tức là vừa sử dụng được bàn phím mà vừa sử dụng được chuột), thường được biểu thị bằng mã màu: màu tím là bàn phím và màu xanh lá cây là chuột.
Mặc dù cổng PS/2 vẫn xuất hiện trên các bo mạch chủ ngày nay, nhưng có một vấn đề xảy ra đó là nhiều loại thiết bị ngoại vi có kết nối PS/2 đã không được sản xuất trong nhiều năm trở lại. Do đó, ở hiện tại, cổng PS/2 hầu hết chỉ là một thứ mà được người dùng xem như là sự hoài niệm về những dĩ vãng mà thế giới công nghệ vốn có.
Về tính năng và sự tiện lợi, rõ ràng cổng PS/2 có một số nhược điểm rõ rệt so với USB, chẳng hạn như khó cắm hơn, không phải là thiết bị hỗ trợ Plug & Play do đó nếu có cắm vào thì cũng phải khởi động lại máy mới nhận diện được. Tuy nhiên, ưu điểm của cổng PS/2 thì cũng rất vô vàn, và trong số đó bao gồm như bên dưới:
– Khác với cổng USB, nếu không cài đặt driver hoặc bản Windows không tích hợp sẵn driver thì sẽ không nhận diện được. Cổng PS/2 lại ngược lại, nó không cần driver dưới bất kì hình thức nào, chỉ cần cắm thiết bị vào cổng PS/2 là hệ thống PC tự nhận diện mà không cần phải thông báo hay đòi hỏi điều gì. Điều này có nghĩa là bàn phím hay chuột được kết nối với cổng này sẽ luôn hoạt động, bất kể là trong BIOS hay trong Windows.
– Cổng PS/2 hoạt động 24/24 trừ khi chúng ta tắt công tắc hoặc rút phích cắm nguồn. Vì lý do này, rất tiện lợi cho việc Update BIOS, Firmware…
– Không bị hack. Đúng, vì không yêu cầu driver, firmware hay một phần mềm nào đó, do đó cổng PS/2 không thể bị tấn công hay chiếm quyền sử dụng.
– Hỗ trợ N-Key Rollover đầy đủ. Đây là một tính năng nổi tiếng của bàn phím gaming cho phép các game thủ sử dụng đồng thời nhiều phím tùy thích. Ngoài ra, độ trễ của cổng PS/2 cũng thấp hơn so với cổng USB. Vì lý do này, nhiều game thủ chuyên nghiệp thích sử dụng các loại cổng có kết nối PS/2 này thay vì USB thông thường.
– Một số tay chơi đã mod Windows XP có thể chạy được trên các nền tảng phần cứng mới để có thể ép xung, chẳng hạn một số tay chơi ở Overclocker.net đã mod chạy được XP trên bo mạch chủ Z170 OC Formula. Và nếu không có cổng PS/2 này thì thật khó có thể sử dụng bàn phím/chuột.
Đọc đến đây, các bạn có thể hình dung ra vì sao đến bây giờ cổng PS/2 vẫn còn xuất hiện trên các bo mạch chủ hiện đại rồi chứ? Ngoài các tính năng hữu ích kể trên, trên thị trường người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm các adapter chuyển đổi giữa PS/2 sang USB, do đó có thể tận dụng thêm cổng USB nếu muốn. Chưa kể, chi phí sản xuất cổng PS/2 trên các bo mạch chủ là cực kì thấp, do đó nhà sản xuất có lý do để cho nó xuất hiện. Cuối cùng, rất nhiều dự án của chính phủ liên quan đến quốc phòng và an ninh đều có hạng mục yêu cầu bo mạch chủ có cổng PS/2 này. Vì lẽ đó, sự xuất hiện của cổng PS/2 trên các bo mạch chủ hiện đại ở bây giờ vẫn là một điều tất yếu.