Rau tía tô – Vị thuốc và những món ngon

 

Trương Lê

 

Vừa ăn ngon, vừa chữa bệnh, tại sao không...

Tía tô có tên khoa học là Perilla frutescens hay còn gọi là é tía, tử tô, xích tô (gọi là tử, xích tía vì cây có màu tím). Không chỉ là một loại rau thơm, tía tô còn được dân gian coi là thảo dược.

Tía tô là một trong số khoảng 8 loài cây thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae hay Labiatae). Tía tô vị cay, mùi thơm. Có 2 loại tía tô:

- Tía tô mép lá phẳng: màu tía nhạt, ít thơm.

- Tía tô mép lá quăn: màu tía sẫm, mùi thơm mạnh. Tía tô mép lá quăn có giá trị sử dụng cao hơn.

 

Chữa bệnh từ tía tô

Với giá trị dinh dưỡng khá cao, giàu vitamin A, C, giàu hàm lượng Ca, Fe, và P, loại cây này không những có thể dùng để chế biến các món ăn ngon miệng mà có tính năng chữa bệnh khá cao. Từ thân lá, cành đến hạt của tía tô đều có thể sử dụng làm thuốc. Lá dùng làm gia vị rất phổ biến đồng thời là vị thuốc rất hay dùng để trừ cảm mạo. Hạt làm trà uống và thuốc hạ khí, cành làm thuốc an thai.

Các công dụng của tía tô thường được biết đến là: trị cảm lạnh, nôn mửa, cảm sốt, sốt rét, nhức đầu, lợi tiểu, ra mồ hôi, bụng trướng, táo bón, dị ứng, trúng độc, đau khớp xương...

Tía tô là vị thuốc được đông phương y dược xếp vào loại giải biểu (làm cho ra mồ hôi) thuốc nhóm phát tán phong hàn (nhóm do lạnh gây bệnh) cần chữa bằng cách cho ra mồ hôi, khỏi sốt.

Tía tô còn có các tên như é tía, tử tô, xích tô (gọi là tử, xích tía vì cây có màu tím). Không nhầm với tía tô tử là hạt của cây tử tô (thận trọng khi viết hai tên này là của 2 vị thuốc không hoàn toàn giống nhau đều cùng lấy từ một cây)

Tía tô có tính ấm, vị cay, vào 3 kinh phế - tâm - tỳ, không độc. Lá dùng làm gia vị rất phổ biến đồng thời là vị thuốc rất hay dùng để trừ cảm mạo. Hạt làm trà uống và thuốc hạ khí, cành làm thuốc an thai. Trường hợp không có thì dùng thay thế cho nhau cũng được.

 

Chữa cảm mạo: giải cảm lạnh

Xông: Lấy lá tía tô cùng các lá thơm khác tạo thành nồi lá xông và lau rửa. Nếu lá được rửa sạch kỹ thì có thể lấy ra một bát để uống trước hay sau khi xông. Xông xong lau khô mồ hôi cả người đắp chăn nằm nghỉ.

Nhớ nước sôi mới cho lá xông vào nồi - đậy vung kín và khi xông mở vung. Cần chú ý kẻo bỏng và chỉ xông cho người lớn ngồi vững trong chăn. Rất thận trọng với người già gầy yếu và trẻ em.

Cháo tía tô: Nấu cháo gạo tẻ cho ra bát, trộn lá tía tô non thái chỉ. Ăn nóng. Có thể thêm hành lá tươi thái nhỏ. Có cho trứng vào hay không hiện nay còn 2 ý kiến trái ngược nhau có và không. Xông xong nằm nghỉ một lúc dậy ăn bát cháo giải cảm này là phương pháp giải cảm lạnh dân gian rất có hiệu nghiệm.

 

Bài thuốc sắc uống

Hương tô tán: Chữa cảm mạo phong hàn, sốt, gai rét, đau đầu, tức ngực. Lá tía tô 8g, hương phụ 8g, trần bì 6g, cam thảo 4g. Gừng 2 lát, sắc nước uống. Có thể kết hợp "nồi xông".

thai bị cảm mạo: Tía tô, kinh giới, mỗi thứ 1 nắm lá cho 2 bát nước sắc còn 1 bát uống ấm. Tiếp đó cho ăn cháo nóng, đập vào bát 1 quả trứng gà tươi (có trứng gà đen càng tốt).

Cảm mạo: Lá tía tô 1 nắm, vỏ quýt khô lâu năm 1 cái, gừng 3 lát. Đun nước sôi rồi cho 3 thứ vào, đun lại cho sôi, uống nóng... Nếu khó uống cho ít đường phèn. Bài này thích hợp khi bệnh nhân có nôn mửa, đau bụng.

Chữa ho, hen, đàm suyễn tức ngực, khó thở

Tía tô bổ hư, giáng khí dùng cho trường hợp khó thở ở trẻ em, người già, người có thai vừa hiệu quả, vừa an toàn.

Do ngoại cảm phong hàn: Có viêm đường hô hấp dùng bài Tam tử dưỡng thân thang: tổ tử (hạt tía tô) 6-12g, la bạc tử (hạt cải củ) 8-12g, bạch giới tử 6-8g (hạt cải bẹ trắng). Sắc uống ngày 1 thang.

Thương hàn ho suyễn: 1 nắm lá tía tô nấu nước uống dần là dứt cơn suyễn (Thiên kim phương).

Người lớn tuổi hay thở suyễn, đuối hơi: Hạt tía tô 1 lạng, sao qua tán bột, đổ 2 bát nước vào quấy đều, lọc bỏ bã. Nấu cháo ăn lúc đói (Nam dược thần hiệu).

Trẻ em ho nhiều thở gấp, mặt tím tái: Hạt tía tô 20g tán thành bột, hòa với nước đun sôi để còn âm ấm, lọc bỏ bã cho uống. Cẩn thận hơn thì cho bột vào túi vải hãm vào nước sôi. Hoặc lấy bột này hòa vào cháo, hãm vào nước sôi hoặc hòa vào nước cơm cho trẻ uống.

Ho tuổi già (lão khái) ho nhiều đờm đặc , khó thở (viêm phế quản mãn tính): Nếu không phải do phong hàn và bệnh khác thì dùng thang "Tam tử phụng mẫu" gồm có tô tử, lai phục tử, xuyên bối mẫu mỗi vị 8g và bạch giới tử 2g. Sắc uống nóng.

Ho suyễn do phế hư hoặc đàm trắng đục dính, nặng ngực: Dùng phương "Tử tô tử tửu" (Y tiện): hạt tía tô 90g, rượu 1 lít. Hạt tía tô sao thơm, tán bột ngâm rượu gạo ngon trong 10 hôm chắt lấy nước trong bỏ bã. Uống mỗi lần 15-30ml. Ngày 3 lần sáng, trưa, tối (nếu ho đờm vàng, cổ khô, miệng khát, môi đỏ không dùng).

Hóa đàm giáng khí: Dùng cháo tô tử (Thiên gia thực liệu diệu phương): tô tử hạt 20g xay nhuyễn như hồ cho nước vào rồi ép lấy nước để nấu cháo, gạo tẻ 100g. Cháo được quấy với đường phèn để ăn. Không dùng cho người có tiêu chảy.

 

Rối loạn tiêu hóa

Ngộ độc thức ăn: Đau bụng đi ngoài, nôn mửa do ăn các loại thức ăn như cua, cá.

Lá tía tô đủ dùng, giã lấy nước cốt để uống: Nếu có ngứa nổi mẩn (dị ứng) thì lấy bã đã sắc hoặc lá tươi xoa sát. Hoặc tử tô giải độc thang: lá tía tô 10g, gừng tươi 8g, sinh cam thảo 2g. Nước 600ml sắc còn 200ml chia 2-3 lần trong ngày, uống nóng.

 

Lời khuyên: Ăn các loại thủy hải sản tanh lạnh đều nên kèm rau thơm gia vị lá tía tô tươi. Nhưng lưu ý có kinh nghiệm không ăn lá tía tô với cá chép vì có thể sinh nhọt.

Táo bón người già suy nhược: Hạt tía tô, hạt me lượng bằng nhau giã nhuyễn cho nước lắng lấy nước nấu chín. Hoặc hạt tía tô, hạt vừng đều 10g, giã nhuyễn cho nước lấy nước nấu cháo, bài này được dùng cả khi táo bón do ung thư ruột.

 

Những món ngon cùng rau tía tô:

 

Lá tía tô có thể dùng ăn sống hoặc nấu chín trong một số món ăn ngon miệng như: ốc móng tay xào tía tô, mực cuộn tía tô, chả tía tô… Xin giới thiệu cách làm 4 món ăn từ tía tô rất dễ làm:

1. Ốc móng tay xào tía tô:

Ốc móng tay ngâm nước, rửa sạch, tách lấy thịt, ướp với 1/2 muỗng cà phê bột nêm.

Lá tía tô rửa sạch, thái sợi nhỏ.

Thịt ba rọi đem luộc chín, thái thật nhỏ.

Bắc chảo lên bếp cho dầu vào phi thơm với tỏi băm. Tiếp theo cho nước me vào xào, 20sau đó cho ốc móng tay, thịt ba rọi vào rồi nêm đường, 1/2 muỗng cà phê bột nêm. Sau cùng cho tía tô vào đảo đều, tắt lửa.

2. Mực cuộn tía tô:

Làm sạch mực, thái nhỏ, quết với bột nêm, tiêu.

Đậu Hòa Lan hạt trụng chín, cà rốt trụng và thái hạt lựu, vớt ra để ráo, trộn với mực. Trộn bột chiên giòn với trứng gà.

Rửa sạch lá tía tô, để ráo, cho mực lên, cuộn lại, nhúng vào bột chiên giòn, lăn qua bột chiên xù rồi thả vào chảo dầu nóng, chiên vàng. Món mực cuốn d ùng kèm với tương ớt.

3. Chả tía tô:

Tía tô rửa sạch, để ráo. Thịt nạc dăm băm nhuyễn trộn với hành tỏi, chút bột nêm. Cho thịt nạc dăm vào lá tía tô cuộn lại, đem chiên vàng. Có thể dùng với bún và cơm đều được.

4. Gỏi thịt bò rau tía tô:

- 1 củ hành tây và cà rốt thái chỉ ngâm dấm đường chua ngọt.

- Thịt bò ướp tỏi gừng gia vị lửa to cho vào xào chín nhanh.

- Rau tía to thái khúc to, thịt bò nguội bớt (vì nóng quá cho vào nó làm chín rau)

- Cho tất cả trộn đều với nhau thêm đường hay chua cho vừa ý rồi rắc lạc rang đập dập lên trên. Lá tía tô to cuốn các thứ ăn hoặc ăn với bánh đa nướng xúc hay bánh phồng tôm.