Lư Phu Nhân

Trn Tho

 

 


(Để nhớ một khoảng đời như mây)

 

Tạ gia ở Quảng Ngãi là một dòng họ lớn với nhiều người thành đạt, nổi tiếng. Tạ gia cư trú nhiều nơi khác nhau , nhưng khá đông của dòng họ này tập trung ở khu Ngã Năm của thị xã Quảng Ngãi, trong đó có Tạ Xuân Hà , một người bạn rất thân của tôi ngày còn đi học. Hà là nữ sinh Nữ Trung Học, còn tôi húi cua học ở Trần Quốc Tuấn. Sở dĩ Hà là bạn học của tôi vì trong khoảng niên khóa 73-74, tôi đang học lớp chín, vào niên khóa sau, tôi lên lớp mười, ngoài sinh ngữ Anh là chính, tôi chọn Pháp Văn là sinh ngữ phụ, thế nên tôi đi học thêm Pháp Văn ở những trung tâm bên ngoài. Và ở lớp Pháp Văn đối diện xéo với Trường Trung Học Tư Thục Bồ Đề của Tỉnh Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Quảng Ngãi, tôi đã gặp Tạ Xuân Hà, Huệ Tâm, Yến v.v., những người bạn đã một thời cho tôi những ký ức rất thân thương.


Hà thuở ấy để mái tóc rất đẹp, chảy dài xuống thắt lưng, khi di chuyển Hà để cho người ở phía sau nhìn với cảm giác cô nàng có 
một chút dáng vẻ liêu trai. Hà có nụ cười rất hiền, nhưng cặp mắt của cô nàng, không hiểu sao, lại làm tôi sợ. Không phải sợ theo kiểu để ý người ta rồi tránh không dám nhìn vào mắt đối phương, mà hình như tôi sợ vì nhìn đôi mắt ấy, tôi có cảm giác bị uy hiếp. Chi tiết này thật mắc cười, nhưng tôi chỉ ghi lại cảm giác rất thật lúc đó. Có lẽ lúc ấy tôi yếu bóng vía quá chăng ? Tôi cũng không rõ, chỉ biết tôi ngồi phía sau mấy cô nàng,nhìn mái tóc dài của Hà, nhìn gương mặt đỏ au vì hay thẹn của Yến, nhìn nụ cười nửa miệng rất xinh và mái tóc được kẹp theo kiểu Tuổi Ngọc của Huệ Tâm, tôi quên mất ông thầy đang giảng gì trên bảng đen về chuyến đi chơi của gia đình Vincent với hai đứa bé ngộ nghĩnh Helene và Pierre, nhưng mỗi khi Hà quay lại ngó, là a lê hấp, tôi tránh cho lẹ. Mấy ông thầy bói hay phán cho khách hàng rằng người này khắc khẩu với người kia, chưa bao giờ tôi nghe tới vụ " khắc nhãn " , chắc trường hợp của tôi và XH là độc nhất vô nhị ?


Thời gian đó, chiến cuộc ở miền trung VN , sau Mùa Hè Đỏ Lửa, vẫn tiếp tục tăng cường độ. Người Mỹ, vì ảnh hưởng bởi những hy sinh chết chóc của mấy chục ngàn thanh niên Mỹ tại VN, vì ảnh hưởng của những phong trào phản chiến tả phái, có sự đâm thọc của tình báo hải ngoại của CSBV, đã khiến cho họ chán nản cuộc chiến VN, và áp lực cho quốc hội Mỹ , nhất là trong những kỳ tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ, phải tìm giải pháp tức khắc cho cuộc chiến, rút ngay lính Mỹ về nước. Nghe lời phát biểu của ngoại trưởng Mỹ, ông Henry Kissinger : " Sao chúng nó không chết phức đi cho rồi " khi nói về tình hình miền nam VN ,là ta đủ hiểu.
Tôi nhắc sơ tình hình chính sự miền nam VN lúc ấy để mọi người có thể hình dung ra sinh hoạt của người dân Quảng Ngãi thời bấy giờ. Dĩ nhiên là cố gắng sống bình an qua ngày, nhưng trong lòng ai cũng không khỏi hoang mang , lo sợ. Nhưng những người trẻ như tôi, Xuân Hà, Yến, Huệ Tâm, thì có biết tình hình đất nước như thế, như thế... nhưng chỉ biết đi học, vui đùa, chứ có quan tâm thì cũng chả làm gì được.


Khi tôi lên lớp mười, và chuyển qua ban C, tôi vẫn đi học ở lớp Pháp Văn. Tôi có những phút giây rất vui ở lớp Pháp Văn này. Khi ông thầy giảng về văn phạm, cấu trúc câu của tiếng Pháp là vui nhất. Ông hay hỏi học trò, đâu là túc từ trực tiếp, đâu là túc từ gián tiếp ? Ông hỏi và cố ý để lơ lửng ở cuối câu cho học trò mồm năm miệng mười điền vào chổ trống. Không hiểu sao lúc ấy tôi lanh chanh phát sợ luôn. Tôi giành cơ hội trả lời với mấy bạn, đến nổi ông thầy mắc cười và nói : " Từ từ trả lời, ai giành đâu mà sợ." Nếu Xuân Hà, Yến và Huệ Tâm mà có dịp đọc đoạn này, có thể sẽ nghĩ sao cái ông này nhớ dai thế ? Xin trả lời các bạn, những kỷ niệm ngáo ộp đó không dễ gì quên đâu các bạn ơi.


Tôi vào lớp mười C, ở đó tôi gặp một người bạn rất hợp với tính cách của tôi. Người bạn này là Lý Văn Hiền. Một người mà những ai sinh hoạt trong giới văn học ở Quảng Ngãi ngày nay đều quen biết. Bởi vì Lý Văn Hiền là một nhà thơ nổi tiếng đã lâu ở đất Quảng. Khi chúng tôi cùng học chung lớp mười C thì LVH đã xuất bản tập thơ đầu tay TÌNH HỌC TRÒ. Ngày ấy tôi cũng yêu thích thơ văn, nhưng chỉ là ngâm nga mấy vần thơ và ưa thích đọc sách, tôi chưa có sáng tác gì, ngoài một bài thơ năm chữ tôi viết về sự ra đi vĩnh viễn của anh Ba của tôi trong cuộc chiến VN, bài thơ non nớt đó tôi cũng quên mất theo thời gian. Ngoài tài năng thơ xuất hiện rất sớm, LVH là người bạn rất dễ thương với nụ cười hiền hậu. LVH chưa bao giờ từ chối giúp đỡ bạn bè, ai tiếp xúc với H cũng cảm thấy tình cảm chân thành. Đã hơn bốn mươi năm qua, tôi không còn giữ tập thơ TÌNH HỌC TRÒ trong tay, nhưng tôi vẫn thuộc lòng mấy câu thơ ngắn của Hiền, với cái nhìn của tôi lúc đó, là cực kỳ dễ thương:

 

Chiều hôm qua, bỏ trường lên thăm bé
Gởi ngôn từ, cho gió nói thương thương
Bé không biết, nên quay mình vô lớp
Ta nhìn theo, hồn chết ở cổng trường.

 

Theo tình tiết của bài thơ, người ta có thể suy diễn rằng ông nhà thơ bỏ trường Trần Quốc Tuấn để đi " LÊN " trường NTH , chăm bón cho cây si của mình . Nhưng trong khoảng thời gian này, cùng lớp với nhà thơ, tôi không nghe nói gì về một mối tình như thế, chắc là ông nhà thơ để tâm hồn bay bổng mà thôi. 


Trong Tình Học Trò, tôi nhớ được in bằng mực tím, có rất nhiều bài thơ được Lý Văn Hiền chăm chút rất kỹ, nên khi H cho xuất bản, tập thơ nhỏ ấy được bạn bè cùng trang lứa đón nhận một cách thích thú.


Rồi khoảng đời dễ thương mà tôi có được với nhóm bạn Xuân Hà, Yến, Huệ Tâm, và lớp mười C với Lý Văn Hiền đã đứt đoạn kể từ một ngày cuối tháng 3 năm 1975.


Mỗi đứa một phương trời. Người thì ở lại quê nhà Quảng Ngãi, kẻ thì bỏ vô sống trong nam, người thì ra nước ngoài. Nếu có tình cờ gặp lại, nhắc lại kỷ niệm ngày xanh , cười cười mà nghe trong lòng len chút ngậm ngùi.


Thời gian qua nhanh. Khoảng hơn mười năm trước, tình cờ qua một người bạn,tôi biết được số điện thoại của Tạ Xuân Hà .Tôi thật mừng, đặc biệt tôi vô cùng ngạc nhiên và thú vị khi nghe người bạn cùng lớp mười C ngày xưa, nhà thơ Lý Văn Hiền, bây giờ là phu quân của Tạ Xuân Hà. Một sự kết hợp kỳ diệu biết bao ! Tôi gọi thăm Xuân Hà, và cái giọng quen thuộc của cô nàng có đôi mắt "uy hiếp" tôi ngày nào vang lên bên tai tôi với niềm xúc động thật lớn. Tôi hỏi thăm về Lý Văn Hiền, và được biết lúc đó Hiền đã xuất bản tập thơ thứ hai , TRĂNG CÔI. Nếu tôi không lầm thì , vào lúc tôi viết những giòng này, Lý Văn Hiền đã xuất bản tập thơ thứ ba ?
Sau đó không lâu, tôi nhờ Sung, một người em con chú, tìm và gởi cho tôi tập thơ Trăng Côi. Sung đã làm quá điều tôi mong ước khi gởi cho tôi tới hai tập Trăng Côi. Tôi đã giữ lại một tập, và tôi chia xẻ một tập khác cho "CON THÚY" bên Tây Đức. Thế là thơ của người bạn tôi có mặt ở một nước Tây Âu.


Ngày xưa, tôi đã thích giọng thơ của Lý Văn Hiền, và ngày hôm nay, với Trăng Côi , tôi đã tìm lại được người bạn ngày xưa. Nhưng đọc Trăng Côi, tôi dễ dàng cảm nhận được sự khác biệt quá lớn giữa TÌNH HỌC TRÒ và TRĂNG CÔI. Tình học trò là những tình cảm nhẹ nhàng của một thời mới lớn, khờ khờ dại dại yêu em, cuống quýt, thẹn thùng, bỡ ngỡ. Trăng Côi là một sự trưởng thành, đằm thắm hơn, sâu sắc và bay bổng hơn. Tôi không đủ cảm nhận về thơ để làm công việc bình thơ của người bạn tài hoa, tôi chỉ xin giới thiệu tới các bạn một bài thơ của Lý Văn Hiền viết về người vợ hiền của mình. Các bạn tự mình thưởng thức hồn thơ của Lý Văn Hiền nhé.

 

THƠ TẶNG LÝ PHU NHÂN

Em - tiểu thư con nhà khuê các
Yêu ta xẻ nửa gánh thân trần
Ta bắt chước bậc công hầu nguyên thủ
Phong em làm Lý Phu Nhân.

Ta vẫn thế gã thất cơ ăn chạc
Mộng hào hoa đà ố buổi hoàng hôn
Vịn vai em ta lần điều nhân nghĩa
Mười năm qua một dạ thương chồng.

Bằng hữu khen cái thằng tốt số
Ngọn cỏ cành cây chẳng chết bao giờ
Cũng vỗ đùi ta gật gù ha hả
Để chặn họng mình đau đáu nỗi âu lo.

Chí lớn làm chi ! Chí lớn làm chi !
Cái lon không cạp đáy thùng gạo rỗng
Âm thanh chém dọc ngang
mà lòng ta phải đâu chổ trống
Chỉ tội cho em giật gấu vá thì.

Những bữa phu nhân thức chờ chồng đi nhậu
Móc trăng ghim xô lệch bóng trăng gầy
Ta tỉnh rượu mới thấy mình du đảng
( Đời vốn buồn như sau một cơn say )

Phu nhân sớm trưa việc làm ná thở
Rong chơi ta nhão mấy con đường
Quảy chồng con em lũi lầm rảo cẳng
Ta đuổi theo bao lần gặp số phận không nương.

Thôi thì năm cùng tháng cạn
Bám vào ngày mai sẽ xóa nợ nần
Mặc người hát lý ngựa ô, lý qua cầu và trăm điệu lý
Ta nghêu ngao riêng mình câu hát Lý Phu Nhân.

(Trích Trăng Côi, Lý Văn Hiền)

 

Bài thơ thật cảm động, làm tôi nhớ đến một nhà thơ khác mà phần lớn chúng ta đã từng học thơ của ông ở bậc trung học, đó là nhà thơ Trần Tế Xương.

 

BÀI THƠ THƯƠNG VỢ

Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không.

(Trần Tế Xương)

 

Tôi không so sánh hai bài thơ, tôi chỉ ghi lại bài thơ của cụ Tú Xương để nói lên niềm trân trọng của mình đối với nỗi niềm thương vợ của nhà thơ làng Vị Xuyên thuở trước, cũng như ái mộ cô bạn Tạ Xuân Hà của tôi có được một phu quân cảm thông nỗi khó nhọc của mình trong cuộc sống đời thường. Có Lý Phu Nhân nào không thấy hạnh phúc, sung sướng khi phu quân của mình:

Mặc người hát lý ngựa ô, lý qua cầu và trăm điệu lý
Ta nghêu ngao riêng mình câu hát Lý Phu Nhân.

Nghe sao quen quá Xuân Hà nhỉ ? Có phải là " Thế giới đông người ta chỉ thấy riêng em "
Chúc mừng hai bạn của tôi.

 

TRẦN THẢO