Chuyện Đàn Gà

Thiên

 

 

 

Trong những loài gia cầm nuôi trong nhà tôi thích nhất là loài gà. Bởi lẽ giản dị là gà dễ nuôi, lại cung cấp trứng hàng ngày hơn nữa tôi thích ăn thịt gà hơn các loi thịt khác. Nói đến gà thì tôi không sao quên được một thời niên thiếu khi gia đình tôi còn sống ở Đà Lạt. Đó là thời  gian bận rộn của tôi phải phụ mẹ chăn gà sau giờ học. Tuy bận rộn mà rất vui, tôi thích nhất là những lúc  tung thóc cho gà ăn, nhìn đàn gà con chạy lon ton theo gà mẹ để mổ thóc, dễ thương biết là bao!

Mẹ tôi bắt đầu “sự nghiệp” nuôi gà từ một người bạn của mẹ là bác Thanh. Bác nuôi gà nhiều năm để kinh doanh nhưng vì lý do gì đó, bác không muốn nuôi nữa nên đem bán rẻ hết cho hàng xóm. Mẹ tôi là người được bác đặc biệt để lại cho năm con gà mập, gồm bốn con gà mái và một anh chàng gà trống to khoẻ, đuôi dài, mào đỏ dựng cao. Bác còn cho mẹ tôi luôn cái chuồng gà đan lưới hai tầng, tầng trên, tầng dưới đều rộng rãi có thể nhốt được khoảng sáu, bảy con gà. Ở giữa hai tầng là một cái khay nhôm kéo ra đút vào như cái ngăn kéo để cho những con gà ở tầng trên phóng uế vào đó, tầng dưới cũng có một cái khay như thế thật tiện lợi. Được bác Thanh bán rẻ cho mấy con gà lại có cái chuồng đẹp kiên cố, thêm sự chỉ dẫn kinh nghiệm nuôi gà của bạn, mẹ tôi thích lắm. Mẹ bắt tay ngay vào việc nuôi gà mong có thể đem huê lợi  về cho gia đình.

Thời  gian đầu mẹ tôi cho gà ăn rau cỏ trộn với các loại hạt thóc mua ở chợ, rau thì đủ loại, thường là các loại rau muống, rau dền, mồng  tơi...Nói chung, những loại rau mẹ tôi mua về nấu ăn cho  gia đình còn phần dư thì để băm cho gà, bầy gà rất dễ ăn lại ăn khoẻ nữa. Ngày nào đi học về tôi cũng phải ngồi băm một rổ rau to cho  gà. Chúng khôn lắm, mỗi lần thấy tôi đến  gần chuồng với rổ rau trên tay thì chúng tranh  nhau đứng  sát ngay máng để chờ thức ăn. Thỉnh thoảng, mẹ tôi  thả chúng ra sân cho đi bộ chơi một lát để chúng có thể tìm giun, trùng theo ý thích. Những lúc ấy, mẹ sai  tôi phải để mắt vào đàn gà, trông chừng nó không cho con nào chui vào bụi rậm, không cho đi quá xa, còn phải  canh chừng  con chó nhà hàng xóm không để nó rình rập, sủa vang trêu chọc đàn gà làm chúng sợ, chiều xuống mẹ lại bắt chúng vào chuồng. Đôi khi mẹ tôi bận tay không thể bắt gà được thì mẹ sai tôi bắt, công việc bắt gà tuy không thường xuyên, nó vẫn là một nỗi lo lắng cho tôi thuở đó. Do tính nhút nhát, tôi rất sợ gà mổ nên không dám tới gần con gà,  vì thế, mỗi lần tới giờ phải cho gà vào chuồng mà không có mẹ là tôi luôn lẩn tránh. Thế mà tôi nào có trốn tránh được lâu, cứ lo nếu gà chui vào bụi rậm hay lạc mất thì tôi sẽ bị ăn đòn. May sao, Phụng, đứa em gái kế tôi rất thích bắt gà, tính nó gan dạ, nghịch ngợm như con trai nhưng vì lúc đó Phụng mới lên chín tuổi, mẹ tôi không tin tưởng em sẽ bắt được gà. Một buổi chiều, mẹ tôi đi vắng lúc  tới giờ cho gà vào chuồng, tôi dụ Phụng ra bắt gà phụ tôi. Con bé thích thú, xăn tay áo chạy rượt theo mấy con gà  trong khi tôi đứng một đầu chắn đàn gà lại. Tôi còn huy động  thêm mấy đứa em nhỏ đứng chắn thêm chung quanh để chắc ăn gà không bị bắt hụt. Mỗi lần Phụng chụp hụt gà là mấy đứa nhỏ lại cười vang, y như chúng đang chứng kiến một cuộc rượt bắt gà vui nhộn. Với sự trợ giúp của mấy em, rốt cục tuần tự từng con đã được đưa vào chuồng. Sau lần đó, tôi kể cho mẹ tôi  nghe về thành tích bắt gà của Phụng và thuyết phục mẹ nên để Phụng bắt gà thay cho tôi và mẹ tôi đã bằng lòng. Cũng ̀ sau ngày ấy, chuyện bắt gà không chỉ là của riêng mình Phụng mà còn có sự tham gia của mấy đứa em nhỏ nữa. Giờ bắt gà đã trở thành giờ ồn ào nhất trong gia đình tôi.

Thấm thoát mấy con gà mái nhà tôi đã đẻ trứng, chúng đẻ sai trứng lắm. Hầu như ngày nào cũng có hai ba quả nằm trong chuồng. Dần dà, bốn con gà mái thay phiên nhau cho trứng nhiều hơn. Mỗi ngày mẹ tôi làm đủ thứ món trứng cho chúng tôi ăn, lúc thì trứng chiên, có ngày thì trứng luộc kho với thịt, bữa khác mẹ làm chả trứng hấp, rồi làm trứng giả cua nấu bún riêu... Khi những món trứng trong bữa cơm hàng ngày  ăn đã ngán, mẹ tôi xoay qua làm các loại bánh, bánh bông lan, bánh mì crescent, bánh flan. .. Mẹ còn pha sữa hột gà cho chúng tôi uống nữa.

Từ hồi đầu về nhà tôi đến giờ, anh gà trống và bốn nàng gà mái sống rất hoà thuận êm thắm bên nhau, các nàng gà mái vẫn cho ra trứng đều đều. Rồi đến một ngày, mẹ tôi quyết định không ăn trứng nữa mà để dành cho gà ấp. Khi mẹ tôi bắt hai nàng gà mái trong số bốn nàng ra riêng để nằm ấp hai lứa trứng đầu. Chú gà trống tự nhiên thay đổi một cách kỳ cục, nó trở nên hung hãn và thô lỗ với hai nàng gà mái còn lại trong chuồng. Hồi đó, tôi chỉ khoảng mười một, mười hai tuổi thôi, chưa hiểu hành động đạp mái con gà là ghĩa gì?  Mỗi lần tôi thấy cảnh tượng chú gà trống nhảy lên mình nàng gà mái mổ lia lịa vô đầu nàng khiến cho nàng ta phải kêu la thảm thiết là tôi gọi mẹ rối rít: “Mẹ ơi, mẹ ơi, con gà đánh nhau”. Thoạt đầu mẹ tôi không chú ý lắm, còn mắng tôi: “Mày làm gì mà nhặng lên thế, gà đạp mái đấy, kệ chúng nó, nhìn làm gì”. Tôi ngơ ngác chẳng hiểu lời mẹ vì sao mình không được nhìn. Tôi thấy tội nghiệp cho con gà mái quá, bị mổ đầu, nó kêu như thế thì chắc phải đau ghê lắm. Những lần tiếp theo sau, con gà trống đạp mái liên tục, mạnh bạo, dữ dội hơn, tiếng kêu của con mái như càng đau đớn hơn, tôi phải gọi mẹ để can gián con gà trống vũ phu. Như lần  trước, tôi lại bị mắng và con gà trống vẫn tiếp tục hành động dã man của nó. Tôi tức giận, lấy cây chọc cho con gà trống nhảy xuống nhưng nó lì ghê không chịu xuống còn mổ cái cây nữa, tôi định rủ Phụng tham gia vào cuộc chiến đấu với con gà trống để cứu mấy nàng gà mái. Ý định chưa thành thì một ngày khi tôi quét dọn phân chuồng gà, tôi thấy ở khay phân gà có vài vệt máu loang với phân. Lấy làm lạ, tôi lại gần chuồng gà quan sát thì phát giác ra máu từ phao câu của hai con gà mái chảy từng giọt chậm, tôi liền chạy đi gọi mẹ. Mẹ tôi xem qua tình trạng của hai con mái  rồi nhìn con gà trống lắc đầu chặc lưỡi: “Con trống này khiếp quá!”, thế là mẹ bắt riêng con trống nhốt xuống tầng dưới. Tội nghiệp hai con gà mái đã bị mang thương tích, mỗi ngày mẹ sai tôi nghiền thuốc trụ sinh để mẹ đắp vào phao câu cho nó. Khi bôi thuốc cũng không dễ dàng gì, bởi nó dẫy dụa rất dữ,  thường ngày tôi vốn sợ gà mổ không dám đến gần mà bấy giờ nhìn con gà bị thương, cảm giác sợ nó mổ bỗng dưng tan biến. Lúc  ngồi gần mẹ  xem bôi thuốc cho gà, tôi đã mạnh dạn giúp mẹ giữ cái chân hoặc giữ cái cánh gà. Tôi cứ thắc mắc là tại sao và làm thế nào con gà trống mổ được vào phao câu con gà mái đến độ phải bị chảy máu. Trong khi nó hành hạ con mái tôi chỉ thấy con gà  trống mổ cái mào trên đầu con gà mái thôi, sao đầu nó không bị gì hết, lạ thiệt. Hay tại vì nó đẻ trứng nhiều quá nên đít nó bị đau? Tò mò nhưng tôi không dám hỏi mẹ tôi về chuyện này.

Khoảng chừng một tuần lễ hơn, đàn gà con từ từ nở ra.  Đợt đầu nở được năm con, chao ôi, những con gà bé tí, lông vàng mướt, trông dễ thương ơi là dễ thương! Chúng tôi quấn quýt bên đàn gà con, mấy đứa em nhỏ tôi tranh nhau bế từng con trên tay, chỉ được một lát thôi là mẹ tôi đã bắt bỏ xuống, mẹ bảo, không nên bắt gà con hoài, có hơi tay nó dễ chết. Nghe mẹ nói gà con dễ chết, đứa nào cũng rụt rè bàn tay, mắt thì vẫn ngó chăm chăm vào đàn gà thích thú. Mẹ giao nhiệm vụ cho Phụng trông chừng các em không để đứa nào được sờ vào gà, còn tôi phải phụ mẹ giăng đèn vào mấy cái thùng giấy, lót nhiều rơm để ủ ấm cho chúng vào ban đêm... Đợt trứng ấp kế tiếp nở thêm được sáu bảy con nữa, chúng tôi lại rối rít bên chúng, lần này đứa nào cũng hăng hái phụ với mẹ tôi đi kiếm thùng giấy làm nôi cho đàn gà nhỏ. Ngày theo ngày, đàn gà lớn nhanh như thổi, những con gà mái lớn lên tiếp tục cho trứng và mẹ tôi lại cho gà ấp. Tôi không còn nhớ rõ là mẹ tôi cho gà ấp bao nhiêu lần mà đàn gà cứ ngày càng nhiều lên. Mẹ tôi phải vừa mua cây về đóng thêm chuồng, vừa mua lưới về rào chung quanh sân để lấy chỗ thả gà.  Nhớ lại những lúc đi học về, thấy một mình mẹ tôi hì hục đóng cái chuồng gà  cao tới ba tầng, tôi khâm phục mẹ quá. Chẳng bao lâu mẹ tôi đã hoàn thành ba cái chuồng mới, mỗi cái ba tầng, mỗi tầng mẹ nhốt mười con gà,  cộng với cái chuồng cũ của bác Thanh chỉ có hai tầng thì nhốt được năm con mỗi tầng. Như vậy số gà nhà tôi đã lên đến một trăm con, một kỷ lục không thể ngờ được dưới bàn tay săn sóc gà của mẹ chỉ trong vòng hai năm. Mẹ tôi chẳng bán đi con gà nào như mẹ đã dự định là nuôi gà để kinh doanh.  Tôi càng bận rộn hơn  với việc rửa chuồng gà mỗi ngày, băm rau gà đến mỏi tay. Ngoài việc lo cho gà, tôi phải  hoàn thành nhiệm vụ lo cho cả đàn em tôi nữa, nào lo ăn uống, tắm gội, giặt giũ, chưa kể đến phải xử kiện những vụ chúng cãi cọ, giành nhau mấy con gà con. Đứa nào cũng muốn ôm những con gà con màu vàng, hoặc  con pha nâu, những con màu đen thì chẳng đứa nào muốn giành hết. Rải thóc cho gà cũng là việc để bọn trẻ tranh giành, tiếng la ó, khóc mếu lẫn với tiếng gà chíp chíp, cúc cúc mỗi ngày. Lắm lúc mẹ tôi phải quát lên : “Có thôi đi không, mai tao bán gà hết cho chúng mày khỏi đánh nhau.” Rồi mẹ đọc to câu: “ Khổ quá,  có biết, khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau, nhìn đàn gà con đấy, có thấy chúng đấm đá nhau như chúng mày chưa?”

Căn bếp nhà tôi thì nhỏ hẹp, chỉ có cái sàn nước tương đối rộng rãi đủ chỗ ngồi giặt đồ, rửa chén, nấu nước nóng, tắm gội cho các em mỗi ngày, nhưng nay ba cái chuồng gà cao nghều nghệu và một cái chuồng thấp đã chiếm hết hơn nửa sàn nước. Ở ngoài sân, dù mẹ tôi có nới hàng rào rộng thêm vẫn không đủ chỗ cho cả bọn trẻ và đàn gà con chạy nhảy, chơi đùa.  Một lần, bố tôi được nghỉ phép ở nhà mấy ngày mới tận mắt thấy được cảnh nuôi gà “ thần sầu” của mẹ. Bố vào rửa tay ở sàn nước thì chật chội, thêm mùi gà, mùi phân, mùi rau băm, mùi củi mục, mùi tro, mùi xà bông, mùi thức ăn trộn lẫn với nhau thành một mùi tổng hợp rất khó tả. Ra  sân thì chỗ nào cũng đầy phân gà. Một ngày bố tôi thấy cảnh các con nhỏ ham chạy nhảy, rượt đuổi nhau không để ý đã giẫm chết một con gà con, bố phải đem chôn. Vừa xong, thì đến một con khác bị kẹt ở miệng cống, Phụng lanh chanh chạy lại kéo nó lên, loay hoay thế nào mà chú gà con lại bị rơi tỏm luôn xuống cống. Báo hại bố tôi phải nạy cái nắp cống lên và sai tôi thò tay xuống mò con gà xấu số đó... Thật là kinh hãi, vớt được con gà nâu lên, nó thoi thóp vài phút rồi chết, hình ảnh con gà nâu ướt nhầy nhụa bùn, cát đen và hôi thối vẫn còn ám ảnh tôi đến mấy chục năm nay. Đã được chứng kiến bi kịch hai con gà chết, bố tôi phát cáu lên vì sự lộn xộn không an toàn cho gà và cho lũ trẻ, vì sự bẩn thỉu từ nhà bếp ra tới sân ngoài, bố truyền lệnh cho mẹ phải bán bớt gà hoặc làm thịt ăn dần. Bố cằn nhằn mẹ tôi rằng: “ Nhà con đông như gà thế này, trông đàn gà của mình còn không xong nữa, bà  đèo bồng thêm cả trăm con gà khác, lợi lộc chẳng bao nhiêu mà cực nhọc, tội cho lũ trẻ nheo nhóc, hôi hám, nhà cửa bề bộn, dơ dáy...” Tôi mỉm cười với lời ví von của bố gọi các con mình là đàn gà. Khi tôi quay ra múc nước để xối rửa chuồng gà thì tôi lại nghe tiếng bố gắt lên với mẹ: “Để thì giờ cho con nó học, cứ bắt nó làm quần quật suốt ngày như thế kia thì biết bao giờ nó mới học khá được.” Tôi  giật mình ngó lên, thấy bố mẹ tôi đang đứng nhìn tôi qua khung cửa sổ nhà bếp, lúc ấy mẹ chỉ im lặng. Tôi ngẫm nghĩ đến lời của bố, thầm cám ơn bố đã quan tâm đến  tôi. Từ hai năm nay, khi đàn gà phát triển mạnh, mỗi ngày đi học về tôi phải lao vào bao nhiêu công việc phụ mẹ chẳng có phút nào hở tay, mẹ  lại không bao giờ nhắc nhở tôi chuyện học bài. Vào mỗi buổi tối, sau khi mọi công việc đã hoàn tất,  tôi thường bị buồn ngủ và mệt mỏi, sự lười biếng gia tăng làm tôi không muốn đụng đến sách vở. Năm đó tôi vừa lên lớp chín, sức học ca tôi giảm sút thấy rõ, nhất  là môn ton vì  tôi bị mất căn bản ̀ năm lớp bảy. Để giảm bớt công việc băm rau gà hàng ngày, mẹ tôi mua bột thức ăn cho gà. Thừa lệnh của bố, mẹ vừa bán gà cho hàng chợ và vừa  làm thịt gà cho gia đình. Thế là ngày nào chúng tôi cũng được ăn thịt gà và tôi vẫn phải phụ mẹ làm gà thường xuyên. Mẹ tôi làm đủ món gà cho chúng tôi ăn, nào là gà kho, gà xào sả , gà xé phay, gỏi gà... Tôi rất thích món miến gà và món cà ri gà mẹ nấu.... Những đợt gà con lớn lên cũng tuần tự đi vào nồi, số phận con gà trống hung ác cũng không tránh khỏi...  Sau một thời gian vừa bán vừa ăn, số lượng  gà giảm dần xuống còn khoảng vài chục con.  Rồi một ngày, có cơn bão từ đâu đã ảnh hưởng tới vùng Đà Lạt khiến mưa to gió lớn kéo dài mấy ngày. Tôi không biết rõ là có phải do ảnh hưởng thời tiết lúc đó hay không mà đàn gà nhà tôi bị bịnh. Tôi nhớ mẹ tôi gọi là gà “rù”, mẹ phải gọi mấy bà buôn gà vào bán rẻ, nhưng họ không muốn mua nhiều khi thấy tình trạng đàn gà đang ốm, rồi đàn gà chết từ từ...  Mẹ tôi chạy ngược, chạy xuôi lo cho đàn gà, mẹ bàn với bố, cuối cùng đành phải thịt dần những con sắp ngắc ngoải, những con chết thì chôn. Tôi thấy thương cho mấy con gà bị hành quyết và cũng tội cho bố tôi phải cắt cổ gà liên tục ngày này sang ngày nọ...Chúng tôi vẫn tiếp tục ăn thịt gà đến con cuối cùng trong chuồng.  Sau đó, mẹ tôi phá mấy cái chuồng gà lấy củi nấu bếp rồi cùng với tôi làm một cuộc tổng vệ sinh từ trong nhà ra đến ngoài sân thật sạch sẽ. Sàn nước nhà tôi trở lại rộng rãi hơn, song cái mùi gà hãy còn phảng phất đâu đó. “ Sự nghiệp” nuôi gà của mẹ chấm dứt vào tháng hai năm bảy mươi lăm vừa đúng hơn một tháng khi Ban Mê Thuột mất và tiếp theo là sự di tản ồ ạt của người Đà Lạt, thật buồn.  Nếu như đàn gà nhà tôi hãy còn  thì chắc chắn  vào lúc di tản phải đành bỏ chúng lại thôi... Cha mẹ tôi phải lo cho đàn gà của chính mình chạy trước.

Mấy chục năm đã trôi qua, kỷ niệm chăn gà thời niên thiếu vẫn là một kỷ niệm rất khó quên với tôi. Gà, quả là một loài gia cầm rất phổ biến, và ai cũng biết, chúng thường được nuôi nhiều ở những vùng quê gần xa hay trong thành phố để lấy thịt và trứng. Thịt gà được ưa chuộng ở mọi nơi, mọi chỗ, mọi giới, khách phương xa có dịp về thăm quê bạn thì thế nào cũng được chủ nhà ra vườn  bắt con gà làm cơm đãi khách. Gà còn được bày cúng trong các ngày giỗ, tết, cả vào ngày cưới, người ta cũng  trưng bày mâm xôi gấc với con gà trước bàn thờ gia tiên. Ngoài ra, hình tượng gà cũng được lồng vào ca dao hay tục ngữ để khuyên răn người đời, thí dụ như câu: “ Khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, là câu mẹ tôi vẫn thường nói như một điệp khúc để can gián chúng tôi khi có chuyện cãi nhau, hoặc: “Con gà tức nhau vì tiếng gáy” ám chỉ sự hiềm khích giữa con người qua lời nói, còn rất nhiều và nhiều câu nữa cho con gà mà tôi không thể nhớ hết.  Riêng tôi, hình ảnh đẹp và đáng yêu nhất  của loài gà làm tôi nhớ mãi đó là con gà mẹ xoè rộng đôi cánh ủ ấm cho đàn gà con. Viết tới đây sao tôi nhớ mẹ tôi quá! Người mẹ đã một đời vất vả, nuôi dạy các con trong sự khó khăn vô vàn. Mẹ đã giang đôi tay tuy gầy yếu nhưng thật vững chắc, để che chở và ấp ủ đàn gà con mười đứa  trước cuộc đời giông bão sau ngày ba mươi tháng tư năm bẩy mươi lăm của bốn mươi hai năm về trước . 

 

Thiên Lý 

(ngày 1 /2/2017)