MÙI HƯƠNG É

Minh Nguyn

 

 

Cứ mỗi mùa hè về, tôi lại nhớ tới hương vị ngai ngái từ biển, thèm được thả đôi chân trần đi trên bờ cát trắng mịn màng, lắng nghe từng con sóng xô về mơn trớn dưới chân, để cảm nhận ra sự thích thú đến dường nào, khi hòa mình vào giữa cảnh thiên nhiên trời nước bao la.

Trong lúc chưa biết đi đâu, tôi chợt nghe loáng thoáng bên tai, giọng “Nẫu” của Nữ. Chất giọng đặc trưng không thể lẫn vào ai, uyển chuyển, thanh thoát như tiếng sóng nơi dòng sông Ba êm đềm chảy tràn qua thành phố Tuy Hòa hồn hậu. Điều này càng khiến tôi thêm nhớ tới Phú Yên, vùng đất đầy nắng gió của miền duyên hải Nam Trung Bộ, nơi tôi đã một lần dừng chân ghé thăm, để khi chia tay ra đi mà trong lòng vẫn cứ mãi mơ một ngày trở lại.

- Vài hôm nữa em về quê, anh sẽ đi Tuy Hòa chơi, như đã hẹn với em lần trước chứ?

Ồ! Thì ra Nữ đã lướt qua sau tôi nhẹ nhàng như một cơn gió thoảng, chỉ đến khi nghe tiếng cô vọng từ sau tới, tôi mới giật mình quay lại:

- May quá! Anh đang muốn đi ra biển nhưng chưa biết đi nơi nào đây.

Thật ra, nhiều năm qua tôi chưa có dịp về thăm lại Tuy Hòa, thành phố mà khi hỏi bất kỳ ai đã một lần ghé qua, đều có chung nhận định: “Thành phố bình yên xinh đẹp nhất nước”. Ngoài những địa danh như: Vũng Rô gắn liền lịch sử những con thuyền không số; mũi Điện điểm cực đông Tổ quốc; ghềnh Đá Đĩa do nham thạch núi lửa tạo thành; tháp Nhạn gợi nhớ đến vương triều Chămpa xưa; nhà thờ cổ Mằng Lăng nơi dừng chân giảng dạy của giám mục Alexandre de Rhodes; Đập tràn Tam Giang, nơi có công trình thủy lợi chắn ngang sông Cái, mang nước tưới tiêu cho cả vùng đồng bằng trù phú huyện Tuy An . . . Phú Yên còn cung cấp nhiều loại đặc sản nổi tiếng mang đậm chất địa phương: Mắt cá ngừ tiềm thuốc Bắc, bánh hỏi lòng heo, cá ngừ nướng muối ớt, bò một nắng, sò huyết Ô Loan, ghẹ sông Cầu, chả dông . . .

Nghe vậy, Nữ mừng rỡ nắm ngay lấy cơ hội nói:

- Vậy sẵn dịp này anh đi cùng em ra Tuy Hòa luôn nha, tiện thể gặp gỡ, hàn huyên cùng bạn bè văn nghệ quen biết ngoài đó luôn.

Không cần biết tôi có đồng ý hay không, Nữ lôi ngay điện thoai cầm tay ra, “búk” luôn hai vé hàng không giá rẻ cho tôi và cô.

Nhờ vậy, đúng hai ngày sau tôi đã có mặt, đứng trước sân cảng hàng không nội địa Đông Tác - Tuy Hòa. Trong lúc chờ xe ca đưa về thành phố cách đó năm cây số, tôi bị cánh lái xe ôm bu đến tiếp thị dịch vụ ăn chơi giá rẻ tại Phú Yên. Dĩ nhiên, trong số đó có cả địa chỉ “mười cây số sung sướng” gần sông Cầu. Rủi thay, về khoản này họ đã chọn lầm người, bởi nhìn vẻ bề ngoài tui coi ngon cơm vậy đó, nhưng thường bị bạn bè chê còn tệ hơn “vợ thằng Đậu”, thường được khuyên dùng quyền trợ giúp của “rocket một giờ”.

Về tới trung tâm Tuy Hòa, tôi thật sự bị choáng ngợp trước một thành phố cách nay chỉ vài năm không trở lại, đã có sự thay đổi lớn lao qua từng con đường, góc phố ngày nào nhỏ như lòng bàn tay; nay được sửa chữa, nâng cấp, mở rộng, khang trang, bề thế, nhìn đến lạ hoắc lạ huơ.

Lợi dụng lúc trời còn sớm, Nữ ghé miệng sát tai gợi ý sẽ đưa tôi đi ngắm hoàng hôn. Nghe xong lời giới thiệu đầy hấp dẫn và lãng mạn ấy, tôi cảm thấy háo hức như sắp được đi gặp người yêu không bằng. Tôi nắm tay Nữ dắt ra khoảng sân trước nhà hàng Star, vịn tay lên thành lan can, nhìn về phía núi Chóp Chài, tháp Nhạn, cầu bê tông Đà Rằng ( cầu Hùng Vương). . . những nơi được xem vừa là biểu tượng vừa là niềm tự hào của người dân trong thành phố. Theo mô tả, núi Chóp Chài có hình dáng Kim Tự Tháp, nổi lên giữa vùng đồng bằng, cách xa trung tâm thành phố 4 km, về hướng Tây Bắc.

“Chóp Chài đội mũ/ mây phủ Đá Bia/ Ếch nhái kêu lia/ Trời như mưa đổ.

Thứ đến, dòng sông Ba uốn lượn ngoằn ngoèo như con rắn, dẫn tới chân núi Nhạn mà trên đỉnh thấp thoáng bóng ngọn tháp Chăm mang màu đất nung. Theo truyền thuyết: Tháp được người Chăm sinh sống ở lưu vực châu thổ sông Ba xây dựng vào thế kỷ 12. Tháp có hình tứ giác, cao 23 mét 5, mỗi cạnh dài 10 mét, gồm 4 tầng, càng lên cao tháp càng thu nhỏ lai so với tầng dưới. Và. Cuối cùng là cầu Đà Rằng giống như một đường kẻ thẳng tắp màu trắng, nổi lên giữa bạt ngàn màu xanh ruộng lúa. Đây là cây cầu lớn nhất miền Trung, nằm trên quốc lộ 1, mới đưa vào sử dụng trong thời gian gần đây, có chiều dài 1512 mét, rộng 12 mét 5, kết cấu 36 nhịp dầm bê tông, nhằm thay thế cầu cũ đã xuống cấp nghiêm trọng.

Kết thúc buổi giới thiệu cảnh quan xinh đẹp Tuy Hòa, Nữ rủ tôi đi ăn uống ngay tại sảnh nhà hàng.

Nhìn các món ăn bày ra trên bàn, tôi chưa hiểu ý định phía chủ nhà muốn giới thiệu đến thực khách loại đặc sản thuần túy của quê hương mình hay sao, mà chỉ thấy toàn màu xanh lá cây; ngoại trừ cái lẩu gà bốc khói sôi sùng sục cũng ăn kèm với rau xanh. Lấy làm lạ, tôi kín đáo hỏi nhỏ Nữ:

- Món ăn gì mà anh thấy chỉ toàn màu xanh với màu xanh không vậy em?

Nữ cười hiền lành nơi hai má lúm đồng tiền, phô hết vẻ đẹp thì con gái ra giải thích:

- Nếu anh là con cái của vùng đất miền Nam Trung Bộ này, tất sẽ phải biết đến loại rau mùi mang hương vị đặc trưng với tên gọi “é trắng”. Đây là loại rau mà không phải nơi nào cũng trồng được, trừ các tỉnh thuộc Tây Nguyên như Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc ra . . . Từ đó suy ra tâm lý người miền trong, vốn đang e ngại trước các loại hải sản của miền ngoài, cho dù đó là cua-ghẹ được đánh bắt từ biển Phú Yên đi chăng nữa. Có lẽ, chính vì lý do đó mà phía chủ nhà vừa muốn tạo sự an toàn cho bạn bè văn nghệ, vừa muốn giới thiệu với mọi người loại rau tuy dân dã, nhưng một khi đã ăn vào là nhớ đến hương vị của nó suốt đời.       

Để minh chứng cho lời nói của mình, Nữ nhanh tay nhặt ra từ dĩa rau xanh, một nhánh rau lá é trắng đưa cho tôi xem và dặn:

- Anh thử vò nát nó ra, trước khi đưa lên mũi ngửi, sẽ biết lá é thơm đến mức nào.

Nể lời Nữ, tôi cầm nhánh lá é trên tay quan sát, thấy nó chẳng khác gì rau húng quế người ta ăn kèm với phở.

Nghĩ thế tôi phán một cách vô tư:

- Sao anh nhìn nó giống rau húng quế trong Nam vậy em?

Liếc tôi bằng con mắt có đuôi, Nữ cười lúng liếng khoe ra hai cái lúm đồng tiền dễ làm điên đảo bọn đàn ông con trai một khi nhìn thấy, giải thích:

- É cùng loài với húng dỗi, thân vuông, họ thảo, có màu lục nhạt, lông thưa. Vì thế é được phân ra làm 2 loại: loại é tím thường biết đến với hạt é dùng nấu chè hay pha chung với quả lười ươi làm nước uống giải nhiệt. Riêng é trắng hay hương trắng, trà tiên, húng lông . . . là loại rau mùi có vị thơm, ngon, trước đây dùng tiến vua nên còn gọi tên theo lối dân dã là cây “tiến thực”.

Ngồi uống từng lời nói của Nữ, tôi vô tình vò nát nhánh é trong tay lúc nào không hay, chừng ngửi thấy mùi hương đậm đà dâng lên từ hai cánh mũi, tôi chợt ngộ ra lá é trắng ngoài việc sử dụng như một loại rau ra, nó còn góp phần tạo nên bài thuốc dân gian chữa các bệnh: đau bụng, nhức đầu, cảm sốt, nhờ chiết xuất được hàm lượng tinh dầu rất cao.

Ngộ thay, may mắn trở ra Tuy Hòa lần này nhờ đi với thổ công xinh đẹp xứ “Nẫu”, tôi chẳng những nghe kể mà còn được ăn ngon miệng với món lá é chế biến cùng các loại thực phẩm khác: Muối kiến lá é, bò một nắng chấm muối kiến, rô đồng nấu lá é, lẩu gà nấu lá é. . .

Nhác trông thấy tôi cứ nhìn chăm chăm vào dĩa cơm có màu xanh lá, Nữ như đi guốc trong bụng tôi, cầm lấy cái chén đặt trước mặt tôi, xúc vào đó lưng bát cơm nói:

- Anh thưởng thức món cơm chiên lá é này đi, sau đó không quên cho mọi người biết cảm tưởng.

Tôi xúc muỗng cơm cho vào miệng nhai nhai, cảm nhận vị ngọt, bùi, cay cay của lá é, cộng thêm dịch vị tiết ra từ tuyến nước bọt, giúp thức ăn thêm đậm đà, ngon miệng hết biết.

Tôi buột miệng khen:

- Lạ! Thơm, hấp dẫn, ăn một muỗng muốn ăn hoài. Em làm sao nói với nhà hàng cho anh gặp riêng đầu bếp để được chia sẻ cách chế biến món cơm chiên lá é này với.

- Viết báo hả. Lại bị bệnh nghề nghiệp nữa rồi?

Tuy ngoài miệng nói thế, nhưng sau một hồi chạy lăng quăng đâu đó, khi trở lại Nữ cũng đã mang về đưa cho tôi công thức bí mật của món cơm chiên cùng với món lẩu gà nấu lá é, bật mí cho tôi biết. Song, giữa hai món ăn dân dã Tuy Hòa – Phú Yên này, tôi đặc biệt chỉ thích món cơm chiên lá é, bởi nó vừa mang chút hơi hướng văn hóa vùng miền vừa pha lẫn hương vị quê hương thật đậm đà.

Không thể kềm chế được sự hiếu kỳ trước món ăn gây nghiện với món lá é, tôi cẩn thận mở trang giấy ghi công thức món cơm chiên ra đọc: Trước hết, cơm nấu hơi khô để nguội, kế đến nhặt lá é trắng cùng với ớt xanh đã cắt bỏ hạt, cho tất cả vào máy xay xay nhuyễn. Chiên sơ lá é trút ra dĩa, lưu ý, nếu chiên lá é lâu quá cơm sẽ có màu đen thay vì màu xanh. Chiên cơm trong chảo đến khi thấy săn lại, bỏ lá é đã chiên trước đó vào, nêm nếm gia vị sao vừa ăn, đảo thêm một lúc rồi cho tiếp thành phần lá é và ớt đã xay vào đảo đều, xong bắt xuống là dùng được.

Khuya. Dưới ánh đèn đêm, tôi đi bên Nữ qua những con đường hun hút sâu, đưa cô trở về nhà. Nghe kể, tất cả những nẻo đường lớn trong thành phố Tuy Hòa, cuối cùng rồi cũng đổ ra phía biển. Thật ra, lời nhận xét kia có đáng tin cậy lắm hay không, nhưng sự thật là tôi đang có mặt trước biển. Gần bên là một quảng trường rộng lớn, đường đi bộ dọc biển, quán xá, dịch vụ trò chơi thiếu nhi, điểm hẹn hò, tình tự của những cặp đôi yêu nhau.

Thấy chiếc ghế đá nhìn ra biển bỏ trống, tôi dắt tay Nữ ngồi xuống bên cạnh, nghe rõ tiếng nhịp tim mình đập loạn xạ trong lồng ngực. Chúa ơi, tôi vội buông bàn tay nóng hổi của cô trong tay tôi, xin đừng nói là tình yêu đang nảy mầm trong con với vô số tội lỗi?  

Ngoài kia, xa xa trên mặt nước phủ kín màu đen của đêm, những ánh đèn cao áp sáng lên từ những chiếc thuyền câu mực, đang hình thành một hàng ngang trên mặt biển, đẹp không thua gì hình ảnh của một đêm hoa đăng.

Yêu. Đến lúc này có ai cảm thấy đã phải lòng mùi hương é như tôi không?

Minh Nguyễn