NGH SĨ LANG THANG

Minh Nguyn

 

truyện ngắn

                                                                               

Nhớ Vũ Hữu Định

 

Không ít người xem tiền bạc chẳng là cái đinh gì, trong số đó có gã, nhưng nói là nói vây thôi, nếu qua buổi trưa nay vợ gã không mang về một ít tiền, liệu chỉ với năm mươi đồng vét cạn từ trong nhà, chưa biết chuyến đi vào phương Nam của gã sẽ thế nào?

Buồn. Gã hướng mắt nhìn ra khoảng sân nắng, nơi những hoa mướp bắt đầu vàng úa trên giàn dây leo, bất giác nghĩ cuộc đời gã bao năm qua chưa làm được việc gì ra hồn, nếu phải trốn mãi trong nhà để rồi ngày nào đó sẽ tàn lụi như những bông hoa kia. Đi. Gã quyết định ra đi, cho dù trong túi có tiền hay không, bởi bạn bè từ trong Sài gòn báo tin ra, đã tìm cho gã việc làm tại hội quán văn nghệ nào trong đó. Hy vọng, chuyến đi này sẽ là cơ hội giúp tuổi ngựa như gã, thoát khỏi cảnh tù giam lõng giữa bốn bức tường vôi trắng từ bấy lâu nay.  

Ngoài sân, bóng nắng đang lùi nhanh qua giàn dây leo bò ra tận đầu ngõ, trong khi bóng dáng vợ gã vẫn bặt tăm tự nơi nào. Đi. Gã không thể chờ đợi lâu hơn được nữa. Gã quơ vội cây đàn vác lên vai, lững thửng bước đi bên nỗi buồn như mắt ai vương lệ. Đi. Gã lặng lẽ hướng về phía ngọn đèo cao vượt tầm mắt. Nghe kể ở đó mỗi đêm về luôn có từng đoàn xe chở hàng buộc phải đậu lại, chờ nửa khuya lính canh mở cổng cho xe di chuyển lên đèo. Sự thể ra sao gã không quan tâm, bởi trong đầu gã đang phải căng ra, tìm cách thuyết phục cánh lái xe đồng ý cho gã quá giang vào Sài gòn nội trong đêm nay. Chậm trể e công việc sẽ bị trễ tràng, không biết người ta có chịu nhận gã nữa không . Gay thật. Gã bước đi trong nỗi lo lắng nhưng mắt vẫn không rời khỏi con đường dẫn lên chân đèo. Bất ngờ, trước mắt gã hiện ra cảnh hoàng hôn ráng vàng cả một góc trời, khiến con đường trước mắt gã mỗi lúc một trở nên quyến hơn bên mỗi bước đi. Đẹp. Gã cứ ngây người ra đứng nhìn hiện tượng kỳ xảy ra nơi thiên nhiên, để rồi không thể kềm chế được lòng mình, gã ngạc nhiên kêu lên “Thật tuyệt vời”. Tội nghiệp, vậy mà bấy lâu nay vì phải lẩn tránh để không bị bắt đi “quân dịch” (*), gã ít khi có dịp ló mặt ra đường để chứng kiến bao sự đổi thay ngoài xã hội. Ôi! Nghĩ mà thương cho thế hệ tuổi trẻ như gã, lỡ sinh ra vào thời buổi chiến tranh, một là chấp nhận bị đẩy ra chiến trường sống nay chết mai, hai là lẩn trốn trong nhà như môt tên tù giam lõng.

Mệt. Gã cảm thấy chân tay cứng đờ, trong khi từ chỗ đứng nhìn tới điểm tập trung của cánh lái xe không còn bao xa; biết vậy, nhưng chẳng còn cách nào khác hơn là cứ ngồi xuống nghỉ chân trên mô đất ven đường, lát hết mệt đi tới đó sau cũng không muộn. Vô tình, lúc nhìn ra khoảng không gian trước mặt, gã bắt gặp ngay dưới chân gã một quần thể ánh sáng chói lòa, hắt lên từ thành phố sáng đèn đến tận chỗ gã ngồi, thứ màu sắc huyền ảo đến bất ngờ. Và, cũng chính từ nơi chốn huyễn hoặc ấy, gã mơ hồ nhận ra từng góc phố buồn thiu, từng con đường phủ đầy cát trắng sớm mai, những tiếng kinh cầu hòa bên tiếng sóng vỗ rì rào ở mỗi đêm về, râm ran như có bàn tay ai lướt nhẹ trên phím dương cầm khúc Moonlight Sonata (**). Bất chợt, từ trong gió thoảng đến bên mũi gã mùi hương ngai ngái mang vị mặn của muối, vô tình đánh thức gã quay về thực tại với ngôi nhà, một đầu tận cùng trong con hẻm một đầu còn lại nối vào đường chính dẫn xuống biển. Ở đó, vào giờ này dưới ánh đèn vàng hắt ra từ chiếc bóng hình quả trứng, có lẽ vợ con gã đang quây quần bên mâm cơm chờ đợi gã, càng làm cho gã nhớ tới thêm đau nhói nơi lòng. Vợ. Mỗi lần nhắc tới người phụ nữ chân yếu tay mềm, bụng mang dạ chửa, ngày ngày vất vả buôn bán ngoài chợ thay chồng kiếm từng đồng nuôi sống gia đình, khiến gã áy náy vì cảm thấy vô cùng có lỗi với vợ con. Có điều, đứng trước cuộc chiến tranh chưa biết đến khi nào kết thúc, kỳ lạ thay những người mẹ người vợ Việt Nam đều tỏ ra thông cảm, sẵn sàng hy sinh bản thân mình để đổi lấy sự bình an cho từng người thân của mình, mà không hề cất tiếng than vãn hay trách móc lấy một lời. Cho nên, trong những lần đi giang hồ ở tận những nơi xa ngái, đêm về rượu uống không đủ say, nhớ vợ con không sao ngủ được, gã ngồi bật dậy tự trách mình qua những bài thơ đăng báo: “Bảy năm tình chồng vợ/ Bảy năm em hẩm hiu/ Lần nào em sinh nở/ Ta cũng phải vắng nhà/ Đứa đầu lòng tù tội/ Đứa thứ hai đi xa” hay: “Lần nào em sinh nở/ Ta cũng phải vắng nhà/ Tháng này em sinh nở/ Ta lại trên đường xa; Cám ơn người vợ khổ/ Chiều nay ta khóc thầm/ Uống những giọt rượu đắng/ Ngày xa quê long đong”.( Cảm ơn người vợ - VHĐ)

Khuya. Gã nhìn lên bầu trời đếm những vì sao lẻ loi, mơ được chắp đôi cánh bay lượn, vẫy vùng giữa bầu trời tự do; cho dù, đó chỉ là thứ tự do hão huyền đi nữa, cũng đủ giúp tuổi trẻ vốn bị bào mòn bởi cuộc chiến tranh dai dẳng, có lý do để mà hy vọng: “ Tuổi trẻ chúng tôi tìm gặp nhau/ Đặt lại những câu hỏi/ Về cuộc chiến tranh này/ Về mọi giá trị trên đời/ Nguồn gốc những nguyên nhân/ Của chém giết và thù hằn/ Bất công và đói rét/ Cần phải làm gì/ Để có lý do mà hy vọng” (Hồ sơ mùa hạ- Lưu Quang Vũ).

Thấy đã bớt đi phần nào sự mỏi mệt, gã vác đàn đứng lên tiếp tục di chuyển về phía có những đốm lửa đang cháy bùng trong đêm. Mỗi bước đi đến gần chỗ tập kết của cánh lái xe, mũi gã hít hà trong gió hương thơm quyến rũ qua từng hạt gạo đang sôi trên bếp, gã chợt nhớ những câu thơ của bạn bè: “Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt/ Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”. (***)

Bước sang đường, gã đi giữa những chiếc xe tải nối đuôi nhau, đậu thành hàng dài trên đường. Ra, đây là điểm tập trung xe dưới chân đèo, nơi gã từng nghe nói nhưng chưa lần đặt chân đến. Nhìn quanh, gã bắt gặp cảnh mấy tay lái xe kẻ mắc võng nằm nghỉ ngơi dưới gầm xe, người nấu ăn bên bếp dã chiến đỏ lửa.

Lấy hết can đảm ra, gã bước đến đứng trước mặt người đàn ông tuổi lục tuần, đang bận tay trên bếp lửa nấu buổi cơm tối.

- Em chào anh.

Người đầu bếp thân thiện nhìn gã hỏi:

- Có chi không hở người bạn trẻ?

Cảm nhận trong giọng nói người đàn ông có vẻ nửa thân thiện nửa gần gũi, gã yên tâm bày tỏ:

- Khuya nay xin các anh cho em quá giang về Sài gòn?

- Không ra quốc lộ đón xe khách đi cho nhanh?

Gã cúi đầu đáp lí nhí:

- Không giấu anh, trưa nay em gom hết tiền trong nhà, nhưng cũng chỉ còn đúng năm mươi đồng (****)

Người đàn ông dừng tay, ngạc nhiên nhìn gã từ đầu xuống đến chân, sau đó kêu lên:

- Trời đất! Cậu nói thật hay muốn đùa với tôi. Ai đời có mỗi năm mươi đồng mà dám đi vào chốn ăn chơi, tiêu tiền như rác đó, dừng lại một chút người đàn ông tiếp, nhìn cậu tôi đồ rằng: “một là cậu trốn nợ, hai là cậu trốn nhà đi giang hồ?”.

Nghe phán như vậy, gã cảm thấy buồn tủi nơi lòng, bởi từ nào tới giờ dù phải sống trong cảnh nghèo khó, nhưng với lòng tự trọng đã không cho phép gã vay mượn tiền bạc ai bao giờ, nói chi đến chuyện quỵt nợ người khác. Riêng việc đi giang hồ vặt năm ba ngày cho đến vài tháng, mới đầu vợ con gã tuy có phản ứng này nọ, sau hiểu ra tính cách của giới nghệ sĩ vốn lang bạt kỳ hồ, nên đã coi việc giao du giữa bọn họ với nhau là chuyện bình thường.

Đợi cho sự phiền muộn qua đi, gã mang tâm sự ra bộc bạch cho người đàn ông nghe,   không muốn người khác hiểu sai về con người gã:

- Số là bạn bè trong Sài gòn đã giúp em tìm được việc làm ở trong đó, chứ không giống như anh nghĩ đâu.

Chưa vội tin nơi gã người đàn ông hỏi:

- Ở ngoài đây thiếu chi việc làm, vào tận trong đó e chỉ thêm tốn kém, nhất là phải xa gia đình nữa?

Gã miễn cưỡng đáp:

- Dạ! Nơi đây đất hẹp người đông, công việc phù hợp với em lại không nhiều, muốn sống được phải tranh giành đấu đá nhau dữ lắm.

Bất ngờ người đàn ông quay qua hỏi về nghề nghiệp:

- Nghề cậu là gì nghe có vẻ quan trọng vậy?

Do dự một lát gã đáp:

- Em vừa sáng tác vừa ôm đàn đứng hát trên sân khấu.

- Cậu là nghệ sĩ?

- Lần này em vào trong Sài gòn là do được mời hát tại hội quán T.

- Mừng cho cậu! Cái hội quán T đó anh cũng hay ghé.

- Anh biết T?

Với một người được sinh ra tại Sài gòn, lớn lên, đi học, ăn chơi, đi lính, bị thương rồi giải ngũ như gã . . . thì bất kỳ ngõ ngách nào ở đó mà gã lại không biết, kể cả cái hội quán T nằm trong một ngõ cụt trên đường Đinh Tiên Hoàng. Đó là một trong những điểm ca nhạc được giới trí thức lẫn sinh viên thường lui tới thưởng thức các nhạc phẩm tiền chiến, hoặc xem chính các tác giả trình bày ca khúc do họ viết thay tuổi trẻ về thân phận, sự hy sinh, mất mát, tù đày, trước cuộc chiến tranh diễn ra hằng ngày trên chính quê hương họ. Hơn thế, mỗi lần được nghỉ phép về lại Sài gòn, gã thường ghé đến T gặp gỡ bạn bè hát tại đó, nên có nhiều kỷ niệm. Đáng nhớ nhất là vào một đêm tối trời không mưa, sau khi chở bạn ghé vào T trình diễn ra, trên đường di chuyển tới địa điểm ca nhạc khác trình diễn tiếp, bạn ngồi phía sau cười khúc khích kể về sự cố xảy ra lúc nãy cho gã nghe. Số là chiếc cà vạt treo trong tủ chung của nghệ sĩ, vô tình bị đám chuột ranh mãnh cắn nát hết hai phần ba, chỉ chừa lại một chút ở phần đeo cổ. Bí quá, không biết hỏi mượn ai, vì đã tới giờ phải bước ra sân khấu, bạn đã nhanh trí nhét vội phần bị chuột cắn vào trong áo sơ mi rồi, cài kín hàng nút áo veston mà thưòng ngày gã có thói quen không cài khuy, nhờ vậy khán giả không phát hiện ra điều tệ hại ấy.

Chứng kiến hồi lâu cuộc nói chuyện giữa một già một trẻ, cánh lái xe hiếu kỳ muốn biết khả năng của gã ra sao, bèn kéo nhau đến quây quanh gã cùng với lời đề nghị:  

- Cậu hãy hát cho mọi người nghe đi! Hát hay bọn này hứa không chỉ cho cậu quá giang, mà còn lo cơm nước, rượu thịt suốt từ đây vào tới trong đó.

Lạ. Đến nước này gã biết gã phải làm gì, để đổi lấy chuyến đi vào lúc giữa khuya, nếu không muốn buổi hẹn vào ngày kia ở T sẽ bị trễ hết công việc. Nghĩ vậy, gã cầm lấy cây đàn mà gã gìn giữ, nâng niu như một báu vật, ra khỏi vai. Cây đàn. Thời gian qua nhờ có cây đàn làm bầu bạn, cuộc sống nơi gã vơi bớt phần nào sự tẻ nhạt bên một xã hội đầy rẫy muộn phiền; ngoài ra, nó còn là kỷ niệm khó quên đối với gã trong đêm ra mắt tập thơ in chung của một số bạn bè. Đêm đó, gã nhớ rất rõ sau khi trình bày xong một số bài hát, trên đường từ sân khấu trở xuống chỗ ngồi, gã bất ngờ nhận được cây đàn do ai đó gửi tặng. Sau, qua dò hỏi nhiều người, gã mới hay cây đàn do bạn bè tặng cho vì không muốn thấy gã ngày ngày phải chơi trên cây đàn sờn cũ, bong tróc nhiều chỗ, nên đã chung tiền mua cho gã. Cảm động trước tình cảm bạn bè, đi đâu gã cũng vác theo cây đàn bên cạnh, vừa làm bạn đồng hành vừa nhắc nhớ kỷ niệm một thời.

Sau một lúc xoay trở cùng cây đàn, cuối cùng gã cũng đã chọn được chỗ đứng để ôm đàn hát một cách thoải mái trước sự chờ đợi của đám đông. Mặc. Gã biết rõ sự nôn nóng từ cánh lái xe hơn ai hết, song vẫn cố tình kéo dài thời gian ra để quan sát hết những ánh mắt qua từng con người đang có mặt, từ đó phán đoán tâm lý xem họ thích nghe thể loại nhạc Bolero, Slow, Slow Rock, Tango hay Habanera. . .  nhờ vào kinh nghiệm ấy mà gã luôn thành công trong các buổi hát hò trước đám đông.

Không muốn để mọi người phải chờ đợi lâu hơn nữa, gã chọn ngay ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ, chơi luyến láy một cách điệu nghệ nơi mười đầu ngón tay trên cây đàn, từ đó bắt âm nhạc tuôn chảy mượt mà qua hình ảnh ngô khoai hiện ra trước mắt cùng với giọng “Nẫu” nghe vui tai của gã cất lên, khiến cánh lái xe ngồi nghe bên sự thích thú, reo hò cổ vũ đến cuồng nhiệt: “Trên đất giồng mình trồng khoai lang/ Trên đất giồng mình trồng dưa gang/ Hỡi cô gánh nước đường xa/  Còn bao là bao gánh nữa/ Để qua là qua gánh giùm/ Tang tình tang tính tình tang/ Tang tình tang tính tình tang/ Tủi thân con khỉ ở lùm/  Cuốc không mà lo cuốc/ Lo giùm lo giùm người ta/ Tang tình tang tính tình tang/ Tang tình tang tính tình tang. . . . “

Và. Trong buổi tối vui chơi, hát hò, đầy khí thế ấy, gã được cánh lái xe tiếp đãi tận tình bằng một bữa ăn tối với đầy đủ rượu thịt, sau đó họ còn bắt gã kể về bản thân cho mọi người nghe.

Chúa ơi! Ngoài bản thân gã vốn là kẻ trốn chạy trước cuộc rượt đuổi chiến tranh ra, thì cuộc đời gã cũng giống như bao thanh niên sinh bất phùng thời, sống và lớn lên chưa hề biết đến hòa bình là gì, trong khi đó tiếng súng vẫn không ngớt vang lên từ khắp mọi miền đất nước, gây ra không biết bao nhiêu cảnh đau thương, chết chóc cho người dân vô tội. Chiến tranh. Cuộc chiến tranh mà nhà thơ Lưu Quang Vũ từng viết: “Các anh ơi, đừng trách chúng tôi/ Các bà má, tha thứ cho chúng tôi/ Chúng tôi chẳng thể làm khác được/ Quả đồi cháy như một phần quả đất/ Bao đời người ta đã giết nhau/ Với các anh tôi oán hận gì đâu/ Nhưng còn cách nào khác được”.

Chính vì nhận rõ bản chất cuộc chiến tranh, gã cũng như bao thanh niên yêu hòa bình khác, đã chọn lấy cuộc sống lẫn trốn rày đây mai đó để không bị bắt bớ, bị đẩy ra chiến trường.

Khuya. Cuộc vui nào rồi cũng chóng tàn. Gã nằm nghỉ lưng chưa được bao lâu đã nghe tiếng máy xe khởi động ồn ào, kế nghe tiếng người lái xe gọi tên gã. Lồm cồm ngồi dậy, gã vội rửa mặt mũi bên xô nước do ai đó để sẵn cho tỉnh ngủ, trước khi trèo lên ca- bin ngồi cạnh tài xế.

- Mệt không? Người tài xế quay sang hỏi gã.

- Không sao đâu anh. Em vẫn có những đêm rượu chè thâu đêm suốt sáng cùng bạn bè.

- Nghệ sĩ mà.

- Là sao ạ?

- Giới văn nghệ sĩ các cậu không uống thì thôi, chứ đã uống vào thì trời đất cũng phải thua.

Không muốn trả lời, gã đưa mắt nhìn qua cửa kính xe ra bên ngoài, thấy cây cối hai bên đường phủ toàn một màu đen, tất cả dường như đang chạy ngược chiều về phía sau, trước khi mất hút vào bóng đêm.

Để phá tan bầu không khí đang quá im ắng, người lái xe đề nghị gã hát cho nghe bài hát nào mà khán giả yêu thích nhất của gã.

Nể tình người lái xe đồng thời cũng là ân nhân, đã không chỉ cho gã quá giang theo xe, cho ăn uống no say, mà còn tặng thêm ít tiền dằn túi phòng khi hữu sự. Gã cầm đàn lên  vừa đàn vừa hát:

 “Phố núi cao phố núi đầy sương/ Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn/ Anh khách lạ đi lênđi xuống/ May mà có em đời còn dễ thương/ Em Pleiku má đỏ môi hồng/ Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông/ Nên tóc em ướt và mắt em ướt/ Nên mây mềm như mây chiều trong.”

Cảm thấy không thể ngồi yên được nữa, người lái xe bèn cất tiếng hát theo gã cho đến cuối bài: “Phố núi cao phố núi trời gần/ Phố xá không xa nên phố tình thân/ Đi dăm phút đã về chốn cũ/ Một buổi chiều nao lòng vẫn bâng khuâng/ Xin cám ơn thành phố có em/ Xin cảm ơn một mái tóc mềm/ Mai xa lắc trên đồn biên giới/ Còn một chút gì để nhớ để quên/ Còn một chút gì . . . để nhớ để quên”.

 

Minh Nguyễn                                                                                     

 

(*)       Từ dùng trước năm 1975

(**)      Beethoven

(***)    Thơ Phạm Hữu Quang

(****)   Vào thời điểm trước năm 1975