Mía

Yên Sơn

 

 

 

Tôi có dịp đọc một truyện ngắn với tựa đề MÍA của Hoàng Quân, một nhà văn nữ gốc Huế, lớn lên ở Quảng Ngãi, quê hương của mía. Nhưng Mía của Hoàng Quân chỉ là một liên tưởng khi có người so sánh cổ tay nàng tròn lẵn như đẵn mía. Tuy chỉ có một chữa mía đơn giản nhưng cũng đã khơi gợi dậy trong cô một tình cảm sâu đậm về một nơi chốn mà cô đã trải qua một thời niên thiếu.

Tôi là con dân Quảng Ngãi, thời thơ ấu tôi lớn lên với Mía, rất nhiều Mía; chỗ nào cũng thấy Mía: ruộng mía, nương mía, rẫy mía, mía trước sân, mía đàng sau vườn; mía của gia đình, mía của hàng xóm. Sáng ăn mía, đi học về ăn mía, tối ăn mía... ăn hoài không biết ngán. 

Tôi có cái thú ăn mía dưới trăng, nghe có vẻ thơ mộng và một chút lãng mạn. Thật tình tôi không biết tại sao, nhưng ăn mía dưới trăng quả là thú vị. Tôi bỗng nhớ lại những ngày thơ ấu của tôi ở quê hương mình, nhớ lại một kỷ niệm ăn mía dưới trăng. Có một đêm trăng nọ cùng bạn bè chơi cút kiếm, tôi trốn vào một ruộng mía mênh mông ngồi ăn mía, ngắm trăng đã đời quên cả trò chơi, quên luôn bạn tìm không thấy tôi rồi tan hàng bỏ về lúc nào không biết. Tôi ngồi ăn miên man cho tới lúc cả nghe tiếng gọi của ba mẹ anh em tôi đi tìm, kêu la ơi ới tôi mới giật mình chạy ra trình diện liền bị Ba tôi phết cho mấy roi vào đít đau thấu trời xanh!

Từ lúc rời xa Quảng Ngãi xuôi Nam năm 10 tuổi, tôi không còn cơ hội thấy và ăn nhiều mía như trước nữa, nhất là quên luôn cái thú xước mía dưới trăng. Sau này, ở Sài Gòn khi nào đi ngang qua những xe bán nước mía ven đường, tôi đều dừng lại mua cho mình một ly. Rồi sau cuộc đổi đời, lưu lạc qua Mỹ; cả chục năm trời không thấy bóng dáng mía ở đâu cả. Khi Cộng đồng người Việt thành hình, tôi mới nước mía bắt đầu bày bán ở một vài nơi. Thời gian đó, một ly nước mía nho nhỏ, đá nhiều hơn nước, không có mùi vị thơm ngon như ở Saigon nhưng giá rất đắt.

Cuối năm 1991 Mẹ tôi qua Mỹ. Vài năm sau, không biết Mẹ xin được của ai ở hội cao niên một ngọn mía đem về trồng sau vườn. Trông ngọn mía lên cao thành cây mía là cả một sự chờ đợi kiên trì. Chờ khi cây mía thật cao, Mẹ chỉ cho chúng tôi ăn một phần, còn lại Mẹ cắt vài khúc ngắn và ngọn mía đem vùi xuống đất gầy giống. Từ ngọn mía đó thuở ban đầu đó, bây giờ vườn nhà Mẹ đã có hai vạt mía lớn, chiếm khoảng đất rộng ở hai góc vườn. Mẹ và chú em phân bón, chăm sóc rất kỹ nên vạt mía sau vườn cho ra những cây mía rất lớn, cao và ngọt. Mỗi cuối tuần về thăm Mẹ lại được ăn mía. Ăn đã còn được cho mang về nhà ăn tiếp. Mẹ thấy mấy anh em xước mía sợ gãy răng nên gọt mía và cắt thành những khoanh nhỏ như mía ghim ngày xưa, đựng trong bọc ny lông để trong tủ lạnh, ăn rất thích và an toàn.

Anh em chúng tôi ai cũng lấy giống từ nhà Mẹ đem về trồng xanh um cả vườn. Đi tới nhà nào cũng có mía để ăn, giống như ngày xưa còn bé. Thỉnh thoảng, tôi cũng biếu mía và ngọn mía cho bạn bè nếu ai muốn và vì thế, mía không còn khó tìm như những năm trước.

Riêng vườn nhà tôi có 3 cụm mía ở 3 góc vườn. Dù không siêng năng như chú em và Mẹ, nhưng mía nhà tôi cũng lên rất cao, có nhiều cây cao hơn 5 mét... và tôi, nhớ thuở ấu thời, bắt đầu thưởng thức lại cái thú xước mía dưới trăng. Hầu như mùa trăng nào cũng có mía để ăn. Bà đô thị nhà tôi rất nhiều lần cảnh giác “coi chừng tốn tiền cho nha sĩ”! Thực tình tôi thấy ăn mía mà cắt ra không thú bằng dùng răng để xước, nhưng cái thời xuân xanh ưa “làm tàng” (show off) nhai ly thuỷ tinh không còn nữa, răng cỏ cũng theo thời gian lần lượt ra đi, chi phí làm răng cũng không rẻ nên đôi khi cũng phải nghe lời vợ mà bớt lại.

Tuần vừa qua, chỉ có mấy ngày, thời tiết bỗng dưng tuột xuống dưới 30 độ Fahrenheit; chỉ có hai hôm là 24, 26 độ... thế mà tất cả cây xanh trồng dưới đất ở trong vườn đều chết hết kể cả 3 bụi mía! Chờ tới hôm qua trời quang mây tạnh, không thấy đọt mía có màu xanh nào nữa tôi mới đốn tất cả mía đem vào chất thành đống đàng sau nhà, đếm được gần 30 cây, dài ngắn đều có. Nhìn đống mía nằm ngổn ngang mà... ê ẩm cả quai hàm! Bà đô thị sợ tôi lạm dụng võ răng nên vội vàng bỏ ra gần nửa buổi róc mía, cắt khúc nhỏ bỏ vào tủ lạnh để dành. Thế mà đống mía vẫn không vơi bao nhiêu. Nhà tôi đề nghị đem cho hàng xóm người Mỹ nhưng họ không biết phải thanh toán nó bằng cách nào; tôi chỉ cho họ cách xước mía bằng răng... “OMG! No sir!” họ nói họ thích sugar cane, thỉnh thoảng đi chợ VN vẫn mua nước mía uống và hỏi tôi cách tiêu thụ mía thế nào nếu không có máy ép. Tôi bật cười chỉ cho họ cách róc mía, cắt khoanh nhỏ như Mẹ tôi đã làm. Có lẽ vì lịch sự nên chỉ muốn lấy vài cây lấy thảo.

Mấy hôm nay tôi ăn mía đã mỏi miệng, đau răng mà đống mía như vẫn còn nguyên vẹn. Mía róc xong vẫn còn đầy tủ lạnh chỉ để dành. Tôi nghĩ có lẽ nên tìm mua cái máy ép cá nhân. Lên Google xem tới xem lui có rất nhiều nơi bán, trên Amazon cũng có, nhưng giá cả khác biệt nhau khá nhiều mà không rẻ chút nào. Máy dùng ở nhà có giá từ $300 trở lên. Tính mua cái rẻ tiền nhưng khi đọc những lời phê bình qua lại của các công ty mua bán máy về độ bền, vật liệu và vệ sinh thực phẩm làm chúng tôi phân vân... Có lẽ phải đợi tới cuối tuần họp mặt gia đình, tôi sẽ hỏi ý kiến mọi người bỏ phiếu thuận hay chống!

Trong khi chờ đợi, mỗi ngày ngồi sử dụng computer bên vuông cửa sổ nhìn ra sân sau, tôi vẫn phải tiếp tục nhìn đống mía nằm ngổn ngang càng ngày càng khô héo mà lấy làm tiếc.

 

Rừng Vua gần Tết Con Gà.

 

Yên Sơn