Tản Mạn Giáng Sinh

Thiên Lư

 

 

Giáng Sinh đang từng bước đến gần trong thời tiết lạnh lẽo và sự nô nức đi mua sắm của mọi người. Trên khắp các đường phố đã được trang hoàng bởi đèn hoa, những dây garland xanh, đỏ, vàng cùng những trái châu kim tuyến đủ màu rực rỡ. Những hình tượng người tuyết, hoa tuyết rơi, ông già Noel, thiên thần, lời chúc mừng Giáng Sinh... được sơn vẽ khéo léo trên nhiều cửa kính ngoài mặt đường. Ở khu trung tâm thương mại chính, khung cảnh chào đón Giáng Sinh càng lộng lẫy hơn. Ngay giữa tiền sảnh, một cây thông xanh to, cao chót vót đứng sừng sững  được treo lên bao nhiêu thứ “ornament” đủ kiểu, đủ màu sắc pha trộn trông thật thích mắt. Chung quanh cây thông, người ta để nhiều bông gòn trắng thật dầy như tuyết, thêm một khung  sleigh sled giả cho ông già Noel chễm chệ ngồi bên trong với túi kẹo bự để phân phát cho trẻ em nào chụp hình chung với ông. Mỗi cửa tiệm đều trang trí nhiều cách khác nhau, có tiệm thì chưng bày một dọc những chậu hoa poinsettia, tiệm khác thì kết poinsettia thành nhiều vòng hoa lớn, nhỏ treo lủng lẳng ngay cửa, tiệm nọ thì gắn hoa xen kẽ vào dây garland xanh, lại kết thêm đèn màu nhấp nháy làm nổi bật lên hai màu xanh lá cây và đỏ lung linh rất đẹp. Bên ngoài, người người qua lại nườm nượp là thế thì bên trong, những cửa tiệm cũng không kém đông đúc người xếp hàng dài chờ trả tiền. Tôi chen vai vào số đông người ấy chỉ là ngó hàng hoá cho vui, tôi chẳng có người thân nào ở gần để háo hức đi chọn quà mua tặng.

Hằng năm, bắt đầu từ trước lễ Tạ Ơn cho đến Giáng Sinh, với tôi  đều là những ngày rất buồn tẻ. Đây là lúc thường gợi cho tôi nhớ đến sự ra đi của cha mẹ tôi, nhất là thời gian cha tôi phải nằm bệnh viện trong tình trạng hôn mê kéo dài gần hai tháng trời. Sau đó, một điều kỳ diệu đã làm chúng tôi vui mừng khôn xiết, khi cha tôi đột ngột tỉnh lại như vừa trải qua một cơn ngủ mê dài trong sự trợ giúp của ống thở. Dù rằng sự phục hồi trí nhớ sau cơn mê rất chậm vì cha tôi không còn nhớ tên từng đứa con mình, không nhớ mẹ tôi đã mất, chúng tôi vẫn nuôi hy vọng tràn trề rằng cha sẽ sống khoẻ thêm vài năm nữa. Với niềm vui và hy vọng đó, chúng tôi dự tính làm một bữa ăn thịnh soạn để đón cha tôi về nhà và mỗi đứa sẽ mua một món quà tặng cha đêm Giáng Sinh. Nhưng, dự tính ấy đã không bao giờ thành, niềm hy vọng tan vỡ, sự vui mừng biến thành buồn đau...Trong một cơn nhồi máu cơ tim bộc phát trở lại, cha tôi đã ra đi mãi mãi... Cha đi trước Giáng Sinh chỉ có vài ngày và tang lễ được cử hành sau ngày Giáng Sinh buồn thảm... Nhớ lại sự ra đi của cha thì tôi không thể nào không nhớ đến ngày đi của mẹ cũng kề cận vào ngày lễ Giáng Sinh...Ôi, những kỷ niệm buồn vẫn theo mỗi Giáng Sinh về trong tâm trí tôi. Đã bao lần tôi tự dỗ mình đừng nhớ, đừng kể chuyện buồn xưa cũ nữa, nó chẳng đem đến sự nguôi ngoai nào, cũng chẳng có ai đồng cảm với mình nếu gặp người không cùng cảnh ngộ, họ có thể hiểu lầm rằng mình muốn gợi lòng thương hại từ nơi họ. Thôi thì, hãy dành thì giờ ấy để cầu nguyện cho vong linh cha mẹ vậy...Và tôi đã cố gắng làm như thế, nhưng dẫu tôi có cầu nguyện cho cha mẹ sự an vui  mãi mãi nơi cõi trời cùng sự thanh tịnh cho chính tôi ở cuộc sống trần gian này. Chuyện nhớ, chuyện quên đôi lúc vẫn thấp thoáng bên tôi như một chiếc bóng, chiếc bóng kỷ niệm...

Giữa lúc trầm mình trong cảm xúc buồn bã ấy, tôi vẩn vơ nghĩ  đến những người già cô độc ở viện dưỡng lão mới thấy họ đáng thương biết chừng nào. Không biết  ở đó họ mừng lễ Giáng Sinh ra sao nhỉ ? Có bao nhiêu người sẽ về nhà sum họp bên con cháu trong ngày lễ ? Mới chiều hôm qua, tôi theo Cherrie (một  bà bạn làm chung) đi thăm mẹ của bà ở viện dưỡng lão. Cherrie mua cho mẹ một chậu cúc vàng nhỏ là loại hoa bà rất thích, còn tôi mang đến cho bà một ổ bánh blueberry (blueberry pie). Bà cụ đã ngoài tám mươi tuổi, dáng người gầy gò, hom hem mà nói chuyện còn minh mẫn lắm. Bà thường hay đọc sách nên lúc nào bà cũng có cuốn sách trong tay. Cherrie thăm hỏi mẹ vài câu rồi chuyển sang chuyện trò với những người già bên cạnh. Tôi ngồi nghe bà kể chuyện thời còn trẻ, đi học, đi làm rồi lấy chồng sinh con, chuyện thời ông tham gia quân đội vào thế chiến thứ hai bà phải nuôi con một mình, chuyện ông trở về bị thương... Những câu chuyện gia đình tiếp nối chuyện cuộc sống khiến bà thêm hứng thú được  dịp nhắc lại cả chuỗi kỷ niệm dài trong đời. Khi Cherrie và tôi tạm biệt bà ra về,  bà chợt khóc  và hỏi Cherrie: “Ngày mai con có đến với mẹ nữa không?” Cherrie nói “Ngày mai con bận rồi, tuần tới con sẽ đến đón mẹ về nhà ăn tiệc Giáng Sinh, mẹ nghỉ đi nhé.” Bà gật đầu, nắm tay Cherrie không muốn rời, Cherrie vỗ vai mẹ dỗ dành: “ Ô kìa, mẹ, tuần tới mẹ sẽ gặp các cháu và nhiều người, mẹ sẽ vui thôi.” Nhìn hai mẹ con, nước mắt tôi sắp ứa ra. Dùng dằng một lúc rồi chúng tôi quay đi. Ánh mắt buồn nhìn theo với những giọt nước mắt lăn trên đôi má nhăn nheo của bà, đã ám ảnh tôi phải chạnh lòng nghĩ đến một ngày nào đó ở chặng cuối cuộc đời, tôi cũng sẽ cô đơn đi vào nơi đây, lúc đó chắc chắn là tôi sẽ chỉ có một mình, một mình với tất cả..

Tôi thường đi ra ngoài để tìm một niềm vui khoả lấp nỗi trống vắng trong lòng.  Đi lang thang khắp nơi, nhìn  loanh quanh chán mắt rồi lại trở về căn nhà nhỏ của mình. Căn nhà chỉ có hai người, hơi đang tàn, sức đang kiệt theo năm tháng chẳng còn đủ lượng  nóng để sưởi ấm cho nhau. Dẫu vậy, khi co ro trong nệm êm chăn ấm, tôi thấy mình vẫn còn hạnh phúc hơn nhiều người nghèo khác đang trong cảnh đói lạnh không nhà, và còn may mắn nhiều hơn nữa đối với biết bao người dân ở các vùng quê Việt Nam đang bị mất đất, mất việc làm, mất nhà cửa, mất tiếng nói, mất quyền làm người. Bên cạnh những sự mất mát đó, họ phải đương đầu với nỗi lo cơm áo, nỗi uất ức bị chính quyền xử ép trong việc “ quy hoạch” đất đai, nỗi đau đớn vừa trải qua một cơn lũ lụt khắc nghiệt, nỗi xót xa cho con cái bị thất học, còn phải nai lưng tiếp sức với cha mẹ đi kiếm cơm... Chừng ấy thứ khổ đã chất đầy lên vai họ một sức nặng kinh khủng đến suy sụp tinh thần, thể xác ngày thêm gầy yếu, tàn tạ. Tội cho người dân nghèo quê mình quá. Hỡi ôi! Mấy chục năm ngưng tiếng súng rồi, giấc mơ bình thường của người dân quê có được cơm no áo ấm không lẽ cứ mãi là một giấc mơ ảo thôi sao? Càng nghĩ, tôi càng thấy buồn cho đất nước, cho dân tộc mình, càng căm phẫn chính quyền, càng chán nản, càng đau xót !!!

Tôi không phải là người có đạo nhưng tôi rất thích nghe thánh ca và những lời cầu nguyện. Có lời cầu nguyện hay như bài thơ, có lời thì tha thiết, chân thành như một đoạn văn tự thuật. Mấy tháng trước, khi tôi còn làm việc cho trung tâm giáo dục Mầm Non của hội đạo Tin Lành, ngày nào tôi cũng tập cầu nguyện với trẻ ba lần trước mỗi bữa ăn (sáng, trưa, snack).  Nghe cầu nguyện mãi dần dà nó đã thấm vào tâm não tôi tự lúc nào. Ở nhà, mỗi khi ăn cơm là trong đầu tôi lại hiện ra hình ảnh những đứa bé ngồi chắp tay trang nghiêm, nhắm mắt, mở to khẩu hình miệng đọc lên lời cầu nguyện thật dễ thương:                                             

          Dear Lord, thank you for the blue sky over me, green grass under me, good friends beside me, thank you for the good food in front of me and the peace all over the world. Amen

Tôi lẩm cẩm quá, chiếc bóng kỷ niệm cứ làm tôi nghĩ ngợi lan man chuyện nọ xọ chuyện kia. Tôi phải dừng lại cảm nghĩ, lắng đọng tâm tư để nghe từng bước Giáng Sinh đang đến mỗi lúc một gần hơn, không chỉ trong thời tiết lạnh giá, mà còn trong âm thanh của gió như vút lên những lời ca xưng tụng chào đón Chúa hài nhi, và bao lời thì thầm cầu nguyện cho sự  bình an đến với mọi người, mọi nơi trên toàn thế giới. Cũng trong nhịp gió đưa từ xa  vọng đến là tiếng chuông chầm chậm đổ.  Âm vang ngân dài như những nốt nhạc thánh thiện, an lành. Xin một lời cầu nguyện cho quê hương tôi, cho người dân tôi sớm thoát ra khỏi cuộc sống khổ đau trong nghèo nàn tăm tối.

Thiên Lý