Đêm Trăng Mùa Tàn Phai

T Kế Tưng

 



 

Một cơn mưa nhỏ vừa đi qua bằng những hạt nước mỏng manh rớt nhẹ trên cây lá và làm mặt đường loang loáng nước. Nắng vàng ửng, trải một khoảng xa trước mặt tôi cùng với màu lá chết làm ngợp mắt. Con đường này có nhiều cây, và có rất nhiều ngôi nhà đẹp. Trong từng nhà có vườn, màu hoa nở đỏ rực hay vàng tươi. Đó là những thứ hoa tôi chưa biết tên. Tôi chỉ biết độc một thứ hoa, đó là hoa sao , những cái hoa xòe ra năm cánh, đỏ như màu máu trên cao kia, trong bóng lá xanh và sẽ rơi xuống theo cơn gió, tơi bời như một đàn bướm. Con đường này với hai hàng sao cổ thụ, cao lớn chạy dài, đã từng làm cho tôi choáng ngợp trong những chiều nắng phai tàn cuối năm với những đàn bướm “ hoa” tơi bời trong gió như thế.

Tôi còn nghe trong những tán cây xanh và những chùm hoa sao chưa rơi theo gió tiếng lũ chim kêu vang như chúng gọi nhau về trong nắng cuối chiều. Và không biết từ bao giờ tôi phát hiện ra con đường này có rất nhiều chim. Rồi hôm nay thật bất ngờ tôi mới khám phá ra những con đường quanh một ngôi trường con gái, hình như đều có nhiều cây và nhiều tiếng chim. Tôi không thuộc tên hết những con đường bao quanh trường của Cúc Hương, nhưng tôi có thể nhắm mắt phóng xe không sợ nhầm lẫn với những con đường khác.

Những buổi chiều cuối năm, sau cơn đau dài vừa dứt như trận bão đã tan, bay mất khỏi thành phố buồn thiu này, không gian quanh tôi là một màu xanh ngợp mắt và nắng vàng óng ả, tiếng chim ríu rít như thúc giục cho những chùm hoa nở rực trên cao. Hôm nay tôi không hẹn trước với Cúc Hương, nhưng lệ thường chúng tôi thường gặp nhau đầu tuần và cuối tuần, hai ngày đó sẽ là mối dây liên lạc suốt một tuần lễ dài.Tôi hy vọng chiều nay Cúc Hương không quên điều đó. Tôi dừng xe nơi chỗ hẹn cũ với một chương trình nho nhỏ sắp sẵn trong đầu tôi muốn ngợp đi trong màu xanh của cây lá bên trên và thảm lá vàng đã chết vừa rụng trên mặt đường.

Con đường hình như ít được quét lá. Người công nhân của Công ty Vệ sinh chắc cũng mơ mộng không kém chi học trò con gái, chị ta để lá chết rơi đầy, và cứ có một cơn gió thổi tới lá vàng cuối mùa trên cây rụng xuống và lá chết dưới mặt đường như cuốn bay lên giống như một bức tranh của mùa đông. Chiều nay con đường mát rượi với một chút nắng sau cơn mưc nhỏ cuối mùa vừa dứt. Tôi có cảm tưởng lớp lá chết vàng úa trên mặt đường kia cũng mềm và mát rượi dưới những bức chân của đám học trò con gái.

Tiếng chuông tan học buổi chiều bỗng vang lên cách tôi một khoảng đường. Tôi cũng vừa thấy cổng trường mở rộng, đây là cánh cổng sau, mở ra con đường đẹp nhất trong các con đường bao quanh trường của Cúc Hương. Bao giờ cũng thế,Tôi cố ý đứng chờ Cúc Hương cách một khoảng xa, ở một ngã tư cạnh công viên phía trước có rất nhiều xe nước đá, xe bò bía, xe cóc, ổi dầm vàng lườm lượm. Tiếng chuông tan, một hồi dài đã dứt, đám học trò ùa ra với một rừng áo trắng lượn múa trong gió. Từ chỗ này, tôi có thể nhìn thẳng tới cánh cổng để trông rõ Cúc Hương khi bước ra. Học trò về hai giờ đầu không đông lắm, một thoáng sau đó tôi cũng thấy Cúc Hương bước ra với cái cặp da nặng ôm trước ngực . Cúc Hương đi với hai cô bạn nữa, cả ba đang bàn cãi chuyện gì gay go lắm. Và đó chắc là chuyện cãi nhau muôn đời của con gái. Từ phía đó hình như Nấm Hương cũng đã nhìn thấy tôi. Sau đó cả ba nắm tay nhau bước tới. Tôi không hiểu Cúc hương kéo theo hai cô bạn kia để làm gì, dù tôi biết đó là người bạn rất thân của Cúc Hương.

Tôi vẫn ngồi yên trên xe lúc cả ba băng sang đường. Tôi thấy Cúc Hương cười, bối rối với bốn con mắt của hai cô bạn chĩa thẳng vào mặt tôi như vừa nhìn thấy người từ hành tinh khác rớt xuống trái đất. Nhưng thật là may mắn, hai cô bạn của Cúc Hương cũng chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt “ hình viên đạn” trong một thoáng rồi họ phớt tỉnh bước ngang qua mặt tôi, bỏ lại một mình Cúc Hương.

Tôi thở phào, nhẹ cả người hỏi:

- Hai cô bạn xinh đẹp của em bỏ dở chuyện gì gay cấn lắm phải không? Sao không tiếp tục cãi nhau cho vui?

Cúc Hương cười:

- Chuyện gì?

- Anh làm sao biết được. Lúc nãy thấy ba cô bàn cãi hăng lắm, anh nghĩ chắc là có vấn đề gì căng thẳng. Lạy trời, đó không phải chuyện liên quan tới anh.

- Anh đúng là khéo tưởng tượng. Tụi nó rủ em đi vòng vòng… hái trộm hoa nhà người ta nhưng em không đi.

- Sao không đi?

- Tại em thấy anh đứng chờ ở đây, tự nhiên em bỏ đi sao được?

Tôi nhìn Cúc Hương hỏi:

- Nếu không thấy chắc em sẽ đi hái hoa trộm rồi hả?

Cúc Hương đỏ mặt mỉm cười. Hình như mặt Cúc Hương lúc nào cũng đỏ ửng lên như thế, nhất là khi đi dưới nắng. Bây giờ là buổi chiều, một chút nắng còn sót lại trong nền trời cũng đủ làm cho hai má cô bé ửng đo như màu trái cây đang chín tới.

- Chắc là anh cũng mong không gặp em để trở về nói chuyện với cô bạn họa sĩ thân mến đó lắm chứ gì?

Tôi cười nhẹ, Cúc Hương lườm mắt:

- Phải không, trả lời đi.

- Hôm nay cô bé họa sĩ ấy không tới để vẽ tranh trong vườn nhà anh nữa.

- Không tới cũng có nghĩa là chưa tới ?

- Thôi, lên xe đi anh chở về.

Cúc Hương im lặng nhìn xuống đất. Tôi biết cô bé bắt đầu dỗi. Một lúc sau. Cúc Hương mới vén vạt áo dài trắng ngồi lên yên xe. Tôi đạp xe cho nổ máy và rồ ga thật mạnh làm cho mọi người xung quanh quay lại nhìn. Cúc Hương có vẻ ngượng nên cấu nhẹ vào lưng tôi hỏi:

- Đi đâu?

- Đi đâu sẽ biết.

Nhưng khi tôi phóng xe đi thì Cúc Hương lại chỉ tôi quẹo xe vào con đường khác:

- Đi đường này nè anh.

Con đường này cũng khá đẹp. Tôi chạy xe chầm chậm.

Cúc Hương chế giễu tôi:

- Xe anh nổ như cái nhà máy xay lúa.

Khi tôi chạy qua một ngôi nhà có tường rào cao, Cúc Hương bỗng nói:

- Nhà này có nhiều hoa lắm. Em và mấy nhỏ bạn đã vào hái trộm hoa rồi đó. Tài không?

- Nhà có tường rào cao như thế làm sao mà vào? Trong nhà có cả chó dữ nữa ?

Cúc Hương cười:

- Em và mấy nhỏ bạn quen với con chó dữ đó rồi. Rào cao hả, trèo. Một đứa cõng một đứa trên vai, trèo qua rào như chơi.

- Chúa ơi!-Tôi kêu lên.

Cúc Hương có vẻ thích thú khi đi ngang ngôi nhà có nhiều hoa đẹp và thích thú kể lại thành tích hái trộm hoa của mình. Tôi không biết Cúc Hương hái trộm hoa để làm gì trong khi nhà cô bé cũng không thiếu gì hoa. Một lần Cúc Hương đi học ghé qua nhà tôi mang theo cả một nhánh Ngọc Lan đầy hoa, phần gốc được bao kín bằng một lớp bông gòn dày cộm thấm ướt nước. Tôi ngạc nhiên hỏi thì Cúc Hương cũng giải thích miếng bông gòn tẩm nước kia để giữ cho hoa lâu tàn và cây lâu chết. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi Cúc Hương cho biết nhánh Ngọc Lan kia cô bé đã bẻ trong vườn nhà người ta. Hôm đó Cúc Hương phải cột hai vạt áo dài bị rách lại. Tôi hỏi thì cô bé giải thích tỉnh bơ: “ Em bị con chó bẹc-giê của chủ nhà rượt theo cắn đứt vạt áo dài khi leo qua hàng rào”.

Cúc Hương bỗng thúc vào lưng tôi nói:

- Anh dừng xe đợi em một chút được không?

Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Để làm gì?

- Hái hoa. Em vừa trông thấy một nhánh hoa thật đẹp trong nhà kia.

Tôi hoảng quá la lên:

- Đừng có đùa. Người ta rượt chạy không kịp đấy ?

- Bây giờ chắc nhà không có ai đâu. Sao anh…nhát quá vậy ?

Tôi chưa kịp dừng xe Cúc Hương đã nhảy xuống, để chiếc cặp da lại phía sau rồi thoăn thoắt băng qua đường, trèo lên tường rào ngôi nhà có nhiều hoa, với tay bẻ nhánh ngâu có nhiều hoa vàng tươi chạy trở ra khoe với tôi. Phải nói thật là tôi hú hồn khi thấy Cúc Hương chạy trở ra bình yên. Cúc Hương sung sướng cầm nhánh hoa trên tay ngắm nghía với vẻ thích thú. Tôi gắt:

- Lần sau đừng có làm như thế nữa nhé, em không sợ chủ nhà ta bắt à?

- Có làm sao đâu, nếu bị bắt thì em cười với “thằng nhỏ” chủ nhà một cái rồi chạy đi. 

Tôi lắc đầu chịu thua cô bé rồi tiếp tục cho xe chạy đi, nuốt dần những khoảng đường va màu xanh mát rượi của cây lá buổi chiều thành phố. Khi tới trước một ngã tư tôi quay hỏi Cúc Hương:

- Đi đường nào đây cô bé?

- Tùy anh.

- Tay phải nhé! Ra phố.

- Chi vậy? Em thích đi vòng vòng cho hết những con đương rồi về nhà.

- Thôi, đi uống cà phê.

Cúc Hương thúc một cái vào lưng tôi tỏ ý phản đối. Tuy nhiên tôi vẫn cứ quẹo tay phải để ra phố. Cúc Hương im mãi cho tới khi tôi dừng xe trước một ngôi quán.

- Ở đây hả? 

Tôi gật đầu, cho xe lên lề đường. Cúc Hương lúng túng với chiếc cặp, nhưng quán không đông khách, tôi nhìn vào thấy rất nhiều bàn ghế trống. Tôi nói nhỏ:

- Đừng ngại. Chả ai để ý đâu.

- Người ta sẽ bảo anh dụ em cúp cua đi chơi.

- Ăn nhằm gì.

Tôi thấy đôi mắt Cúc Hương bối rối, cúi xuống khi bước vào quán. Hai má cô be đỏ bừng, bối rối bước va vào mấy chiếc ghế sắp té. Tôi đẩy rộng chiếc ghế ra cho Cúc Hương ngồi xuống và ngồi chiếc ghế đối diện. Cúc Hương để chiếc cặp sang ghế bên cạnh, nhìn tôi nói:

- Lần đầu tiên em ôm cặp vào đây. Kỳ ghê!

- Quán không có ai hết, thấy không? Chỉ có hai đứa-Tôi lên giọng trấn an.

- Bên kia có nhiều người ngoại quốc quá. Họ tới đây làm gì mà nhiều thế anh?

- Họ tới để uống nước như mình. Những người khách nước ngòai này họ đi du lịch ấy mà, được gọi là “ Tây ba lô”.

Cúc Hương nhìn quanh, vẫn chưa hết vẻ bối rối trên gương mặt ửng đỏ và đôi mắt to đen ấy. Tôi nhìn những vạt nắng vàng trải xuống từng khoảngđường trước mặt qua cửa quán. Mặt đường in xao xác những bóng cây, khu phố trước mặt gần như yên tĩnh, trầm lắng so với những khu phố náo nhiệt đông đúc khác.

- Hương uống gì?

- Anh uống gì Hương uống cái đó.

Tôi đùa:

- Anh uống bia Hương có uống bia không?

- Uống chứ.

- Vậy anh kêu hai chai bia mình đối ẩm nhé?

Cúc Hương cười:

- Cụng ly với em sợ anh say không biết đường về đấy. 

Tôi đưa tay ngoắc người phục vụ, nhưng Cúc Hương đã ngăn lại:

- Nói đùa đó, em uống cô ca, mà anh cũng đừng uống bia.

- Chứ anh uống cái gì?

- Hương uống cái gì anh uống cái đó.

Anh phục vụ mang lại hai chai cô ca với ha cái ly sẵn đá. Tôi rót cô ca vào ly cho Cúc Hương và chợt nhận ra một cái gì ngượng ngùng trong cách xưng hô giữa tôi và cô bé, khi tôi gọi Cúc Hương là em, khi thì kêu tên. Ngược lại Cúc Hương nhiều cũng lẫn lộn như thế, giữa tôi và cô bé không có cái gì rõ rệt.

- Anh nghĩ gì mà trầm tư sầu muộn thế sao không uống nước đi?

Tôi nhìn thấy bờ môi Cúc Hương ngậm lấy vành ly thủy tinh trong suốt. Một vài vụn nước đá loang ra bám trên bờ môi không son phấn nhưng vẫn tươi tắn. Môi Cúc Hương đỏ tự nhiên như thoa son .

- Mấy giờ rồi anh?

- Chưa tới giờ đâu.

- Anh đưa em về trước sáu giờ nhé ! 

Một lúc khi thấy trời đã tối, đèn trong quán đã bật lên. Cúc Hương cấm tay tôi xem đồng hồ và giục:

- Mình về anh nhé.

Tôi gật đầu:

- Hương uống hết nước đi.

Cúc Hương uống một ngụm nước cuối rồi đứng lên theo tôi. Người phục vụ đẩy cánh của kính nặng nề cho tôi và Cúc Hương bước ra. Đèn bên ngoài cũng đã bật sáng, những cơn gió cuối năm từ hướng sông thổi lên mang theo hơi lạnh.
Khi tôi quẹo xe qua ngã tư, bỗng thoáng trông thấy trong đám đông có một cánh tay đưa ra từ trong chiếc ô tô chạy vụt qua vẫy tôi. Chạy một khoảng tôi mới ra hình như là Quỳnh Như. Vừa lúc đó Cúc Hương hỏi:

- Anh có thấy ai vừa đưa tay vẫy không?

Tôi làm bộ lắc đầu, Cúc Hương cấu nhẹ vào lưng tôi nói:

- Quỳnh Như, cô bạn thân họa sĩ thân thiết của anh đó.

- Anh không thấy.

- Có giả vờ không?

- Thật.

- Người nào nói dối thì bị tội gì?

- Bị thằn lằn cắn thụt lưỡi.

Cúc Hương cười, trong khi tôi bàng hoàng nhớ lại cái vẫy tay rối rít của Quỳnh Như . Hình như cô bé đi học về và không biết có ý định ghé nhà thăm tôi không? Chiều nay chị Nguyệt cầm cũng đi vắng.

Tôi dừng xe cho Cúc Hương xuống cách nhà một khoảng xa. Cúc Hương đưa cho tôi cành ngâu và nói:

- Chúc anh sẽ gặp lại Quỳnh Như.

- Hai người chưa quen nhau mà ?

- Quen rồi. Từ hôm ở nhà anh cơ.

- Sao lại có vẻ không thân được với nhau nhỉ?

- Đố anh biết. Thôi, tặng cành ngâu này. Hương vào nhà đây.

Tôi cầm cành Ngâu thấy những cánh hoa vàng đã rụng gần hết. Cúc Hương băng qua đường, cái cặp da vẫn nặng trên tay và tà áo trắng bay bay trong gío.

Về tới nhà tôi thấy chị Nguyệt Cầm ngồi trước một thau đồ. Hai tay chị đầy bọt xà phòng, những sợi tóc mai thấm ướt mồ hôi. Tôi hỏi chị:

- Chị về bao giờ thế?

- Trước em một chút.

Tôi đi loanh quanh chỗ chị ngồi nhìn bọt xà phòng dâng cao. Hai bàn tay chị thoăn thoắt cử động và những cái áo được vò kỹ ném qua chiếc thau bên cạnh. Chị làm việc gì nhìn cũng đẹp. Tôi vẫn thích nhìn chị Nguyệt Cầm trong những công việc thường ngày. Tôi không dám nghĩ tới ngày chị Nguyệt Cầm có chồng, mặc dù ngày đó đã gần kề. Tự dưng hôm nay tôi lại nghĩ tới, và tôi lại thấy buồn. Căn nhà này không phải là một chỗ ở vĩnh viễn cho tôi và chị. Nhất là chị, con gái không có một căn nhà nào hết ngoài căn nhà của chồng. Mẹ tôi vẫn thường nói như thế. Một ngày kia, không còn ngồi bên cạnh thau quần áo đầy tràn bọt xà phòng kia chị sẽ rời bỏ tất cả, ra khỏi tất cả những gì tưởng sẽ ngàn đời trói chặt trong tình thương gia đình. Tôi sẽ là người ở lại trong căn nhà này, dĩ nhiên với hình bóng và một nỗi đau quay quắt khi chị ra khỏi.

- Em có tới trường đón Cúc Hương?

- Có.

- Gặp cô bé không?

- Gặp.

- Sao nhìn em buồn quá vậy?

Tôi ngồi xuống thềm, gần bên chị nhìn những bọt xà phòng ngũ sắc bồng bềnh trong hai bàn tay chị Nguyệt cầm. Chúng tan biến rất nhanh.Tôi bỗng muốn khóc khi nhìn mái tóc dài đen nhánh những sợi buồn của chị. Tôi linh cảm rằng Nguyệt Cầm của tôi sẽ khổ, vì người đàn bà đẹp nào cũng khổ cả. Nhất là chị, người đẹp thường khổ sở.

Tôi bỗng cầm hai bàn tay trắng xanh, mịn màng của chị Nguyệt Cầm xúc động nói:

- Chị đẹp quá. Nhưng em ước gì chị bớt đẹp đi một chút thì chị sẽ bớt khổ hơn một chút.

Má chị Nguyệt Cầm đỏ lên, chị cúi xuống và ngăn sự thẹn thùng bằng cách vò mạnh những chiếc áo. Bọt xà phòng tung lên, những bóng tròn ngũ sắc bay phất phới trong không khí rồi vỡ tung ra.

Chị Nguyệt Cầm ngẩng lên nhìn tôi nói:

- Em chỉ được cái nói nhảm thôi.

- Thật. Những người con gái đẹp thường khổ sở cho đến chết. Chị có sợ khổ không?

- Không, nhưng có bao giờ mình sung sướng đâu ?

Tôi bật cười. Chị hỏi:

- Giận nhau sao trông em buồn quá vậy?

- Buồn chuyện khác. À, lúc về em có gặp cô bé Quỳnh Như. Cô bé vẫy em từ trong xe, rồi xe chạy qua mất.

- Chị biết rồi. Và vì thế mà hai người giận nhau ?

- Không phải.

Tôi cười. Thật ra tôi cũng không biết rõ tình cảm của mình với Cúc Hương, hoặc với Quỳnh Như ra sao. Lúc cảm thấy gần lúc cảm thấy xa. Cúc Hương như một loài chim nhỏ, loài chim cánh trắng bay qua trong một cơn mơ trần gian. Còn Quỳnh Như là một thiếu nữ buồn ngồi trong khu vườn buổi chiều có mưa nhẹ và gió lạnh .

Bất ngờ tôi hỏi chị Nguyệt Cầm:

- Bao giờ chị lấy chồng?

Hai má chị đỏ bừng, chị ngừng tay trong thau nước nhìn tôi:

- Sao lại hỏi chị như vậy?

- Vì cô gái nào rồi cũng phải lấy chồng.

- Em làm chị xấu hổ.

Nhưng rồi chị cũng phải như thế chứ?

Chị Nguyệt Cầm nói:

- Bao giờ em lấy vợ.

Chị Nguyệt Cầm bỗng ngưng công việc. Chị rửa tay và bảo tôi:

- Thôi, vào ăn cơm đi em. Chị đói rồi.

Bữa cơm xong khi có bóng trăng ngoài cửa. Lúc đó chị Nguyệt Cầm dọn dẹp ở nhà dưới và tôi mang đàn ra vườn ngồi đàn một mình. Đêm cuối năm trăng lên, ánh trăng cuối cùng để tàn lụi, chìm khuất vào nền trời đêm chuẩn bị cho những ngày tháng mới. Aùnh trăng của mùa tàn phai này tôi thấy đẹp mơ hồ như giấc mộng.

Chị Nguyệt Cầm ra đứng bên tôi. Chị đi chậm chậm trên lối đi, bóng chị thoáng thoáng đằng xa một lúc trong các khóm hoa rồi chị trở lại ngồi trên đám lá chết. Tay chị Cầm một nhánh hoa trắng mà mùi thơm giống như hoa Ngọc Lan. Chị xoay cành hoa trước mũi .Mùi thơm hoa Ngọc Lan nhè nhẹ. Đêm nay có một cái gì đó rất mơ hồ. Không hẵng là một nỗi buồn, không hẵng là một thứ hạnh phúc.

- Hát chị nghe đi-Chị Nguyệt Cầm bỗng yêu cầu.

- Tay em còn run lắm, không cầm đàn được đâu.

- Kệ, chị thích nghe em hát trong đêm nay. Trăng đẹp quá, thấy không?

Tôi im lặng, chị nói tiếp:

-Trăng đẹp và buồn.

Tôi nhìn chị Nguyệt cầm dưới bóng trăng và nói:

- Một bài hát mang tên chị, chịu không?

Chị buột miệng kêu lên:

- Nguyệt Cầm.

Và chị sung sướng cười. Tôi so lại dây đàn. Tay tôi còn run nhưng đêm nay tôi muốn hát cho chị nghe bài hát đó. Biết đâu sẽ không còn một đêm trăng nào như đêm trăng này tôi ngồi gần bên chị, được hát cho nghe, được tắm đẫm trong một thứ hạnh phúc sắp mất. Ở thành phố này hai chị em tôi là hai người cô độc nhất. Và rồi chị Nguyệt Cầm sẽ đi lấy chồng, chỉ còn lại một mình tôi trong căn nhà vắng, hiu hắt kỷ niệm. Tôi vừa đàn vừa hát đủ cho chị nghe:

       Đêm mùa trăng úa làm vỡ hồn ta
       Ngập ngừng xa suối trăng dồn úa trôi qua.

       Sầu thu sầu lên vút mịt mù mà em nhớ thương mùa thu
       Trăng tầm dương lung linh bóng sáng
       Từng thoáng lệ ngân mà hồn phân vân cuồng điên nhớ,
       Long lanh tiếng Nguyệt Trầm tiếng đàn trầm
       Ai thương nương tử một đêm nao trăng thanh trong lời hát 
      chết theo nước xanh, chết theo nước xanh.
       Ôi đàn trăng cũ làm vỡ hồn anh
       Long lanh long lanh trăng chiếu một mình.

       Khơi vơi khơi vơi nhạc lắng tơ ngời
       Nguyệt Cầm, ôi từng lệ ngân chết từng mùa xuân
       Đêm ngời men nhớ, nhạc tê người thuở xưa
       Trăng sầu riêng chiếc… Trăng sầu riêng chiếc
       Sầu cho tới bao giờ…

Tôi thấy mặt chị Nguyệt Cầm tối hẳn lại. Hình Như chị khóc. Một lúc tôi Nghe chị hỏi:

- Sao em không hát tiếp?

- Bài hát buồn quá.

- Ừ, bài hát buồn chết được.

Tôi buông cây đàn trên đám lá chết. Một đêm trăng của mùa tàn phai. Tôi muốn nhớ mãi như thế.

Chị Nguyệt Cầm im lặng với mái tóc buông dài che nửa gương mặt. Chị ngồi đó và tôi nghĩ rằng chị khóc một mình không ai hay.

Từ Kế Tường

(Sài Gòn)