Ca Bin

Lý Th Minh Châu

 





Băng qua cung đường hè hừng hực nắng và gió Lào những cơn mưa cuối mùa không còn hung hăng như trước, thứ vũ khí đáng sợ của nó là sấm chớp cũng thưa thớt diễu võ dương oai nên người ta nhanh chóng quên đi những đau thương, tang tóc do nó mang lại từ những cơn mưa đầu mùa.

Hàng phượng cũng đã nhạt màu, tiếng ve rạc rời đứt quãng, giai điệu hè chỉ còn là những tiếc nuối vu vơ trong lòng trẻ quê bởi những trò chơi đã không còn thích hợp. Vài cánh diều xanh, đỏ nằm rượi trên cành đa, ngọn gạo cũng không nỡ bằng lòng bó gối chờ mưa gió xé nát tả tơi, phe phẩy cái đuôi mảnh khảnh như cánh tay vẫy vẫy đám học trò.

Ngãi dừng xe đạp bên gốc phượng già lôi áo mưa ra mặc. Cô vuốt những giọt nước còn đọng trên mái tóc không cho chúng thấm vào lưng bởi loại áo mưa một ống này không thể thả mái tóc ra ngoài. Tuy là vóc hạc mình mai nhưng Ngãi cũng không thể thao tác nhanh được bởi áo rất mỏng và dễ rách nhất là hai nách. Có chút bực bội, chút cau có nhưng chỉ thoáng qua bởi sau làn mưa bụi kia là tiếng cười khúc khích của ai đó “ …Chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu…” nghe thấm thía làm sao. Ngãi cười. Cô nhìn vào cái giỏ xe đạp của mình mới ngẩn ra là những cánh hoa phượng ai đã xếp vào đó tự bao giờ.

- Đi chợ về hả Ngãi ?

Có thấy ai đâu, cô dáo dác kiếm tìm nhưng chẳng thấy gì. Cô không thấy cũng phải bởi mưa mù và người hỏi thì mặc áo mưa màu bạc, ngồi câu bên dòng sông sáng bạc phía bên kia đường. Rồi khi người ấy đứng lên và tiến về phía cô với nụ cười hân hoan và con cá trắm khá lớn trong tay thì cô mới thật sự mừng vui :

- Ông An điên, mưa gió thế này mà ra sông ngồi lê được hả ?

- Mưa bụi thôi mà, câu thế mới thú chứ Ngãi.

- Công ấy…ra chợ…là ăn chắc.

- Không triết lý với cô, cho gởi bữa trưa nhé. – An đặt con cá vào giỏ xe của Ngãi.

- Ơ…đâu mà tự nhiên vậy…

- Chén đơn đũa chiếc hoài, không chán sao ?

- Quen rồi, với lại không thích hầu hạ…người dưng.

- Ha ha…Câu này nghe quen à nha…Vậy thì cứ liu riu một mình đi nhé…

Ngãi cười :

- Chặt to kho mặn…ăn một tuần.

- Có cần thêm rau rán gì không, tôi hái ?

- Có cỏ thì có chứ quanh đây tìm đâu ra rau ?

- Ngãi lầm rồi…rau nút áo non mơn mởn kia kìa. Nấu canh với cá trắm ngon hết biết.

Ngãi không cười :

- Em về trước đây.

Tình yêu của họ bắt đầu từ đó, thêm thắt ít mặn nồng, giận dỗi và quãng thời gian mấy năm dạy chung trường đủ để ba lô của An căng phồng tiếc nuối khi anh cùng vài đồng nghiệp xung phong ra đảo làm nhiệm vụ thiêng liêng của người thầy giáo. Với vô vàn khó khăn chồng chất, thói ăn, nếp ở đảo lộn tùng phèo dù trường lớp ở đây đã khang trang, sạch đẹp. Nhu yếu phẩm không phải là gạo mắm thịt thà mà là điện, nước. Hai thứ ấy quý như vàng ở cái hòn đảo không lớn nhưng có hơn một ngàn cư dân này. Nước thì phải bơm từ mạch ngầm còn điện thì chỉ có từ chập choạng tối đến mười giờ đêm. Bấy nhiêu ấy đã là sự cố gắng rất lớn của một huyện duyên hải nghèo.

Thời gian giúp cho người ta dễ dàng thích nghi mọi hoàn cảnh, mà hoàn cảnh càng vất vả, gian lao thì người ta càng có cơ hội thăng tiến. An không nghĩ thế nhưng anh đã bằng lòng với hoàn cảnh và công việc của mình. Cũng chừng ấy chuyện : lên lớp, soạn giáo án, chấm bài vở và thăm hỏi chòm xóm nhưng ở đây An có nhiều thời gian dành cho suy ngẫm, viết văn, làm thơ hơn là ở phố trong đất liền. Những bài văn, thơ về biển đảo, về đời vạn chài An viết rất sống động nên khá hay. Cộng với tính cần cù, nhẫn nại và hiền lành An là đích ngắm của nhiều tâm hồn trắng trinh chân chất.

- Thầy An, mẹ bảo em mang cháo cá sang để thầy dùng bữa tối. – Em gái cô giáo Thuỷ khép nép.

- Chị em bày vẽ quá…Anh cảm ơn mẹ và các em nhiều nhé.

Rồi An sựt nhớ điều gì, anh đứng phắt dậy mở tủ lấy gói quà ra trao cho cô bé :

- Có hộp sữa, cân đường…anh biếu mẹ.

- Ai tặng anh à.

- Tội quá, cô bé…quà hăm bảy tháng bảy của anh đó.

- Anh là thương binh ?

An cười, gật đầu.

- Chị Thuỷ nói anh làm được bài thơ nào mới chưa, đưa chỉ đọc.

- Hôm nay không có, lo dọn hồ chuẩn bị đón mưa.

- Vậy em về ạ.

- Bảo trọng nhé.

- Ở đây hiền khô à…anh khỏi lo...

An tiễn em gái Thuỷ bằng ánh mắt trìu mến cho đến khi cô bé khuất hẳn sau đám phong ba đã xỉn màu chiều. Hoàng hôn dần buông, thuyền thúng, thuyền thoi cũng đã gối đầu lên bến để mặc những con tàu đánh bắt xa bờ với tải trọng lớn không thể cập cảng nước nông thả neo ngoài xa. Không có đêm để cho ánh đèn câu yên ngủ, biển như một mâm nến khổng lồ với vạn ngàn điểm sáng lung linh. Ở đó có đủ gian lao vất vả nhưng cũng đầy ắp tiếng cười; cũng chén tui, chén anh, chén chú khi mà cá đã đầy khoang. An đã yêu nỗi nhọc nhằn của cư dân ở đây từ khi nào không biết nữa, chỉ biết là anh thường hay đàn và hát cho họ nghe mỗi khi có dịp. Chính vì vậy mà họ coi An như người nhà…còn cô hàng xóm lại là người dưng chăng.

Không có thời gian để trở về thăm trường cũ, người xưa ngoài những lần gặp Ngãi ở các cuộc họp của phòng Giáo dục huyện, họ không thể đi đến một đồng thuận nào về hạnh phúc tương lai. Ngãi có mẹ già đơn chiếc ở quê, nơi cô đang dạy học nên không thể ra đảo chung sống với An. Còn An thì không muốn rời xa nơi này bởi cuộc sống dân chài sao mà đáng thương quá, thiếu thốn nhiều quá, thật thà quá. Họ nghĩ, sự học chẳng là gì so với cái ăn. Học để biết chữ là chính chứ để làm ông nọ, bà kia thì họ chưa từng đoái hoài. Có chăng là học máy, học nghề, học vào lộng ra khơi để yên bề sống chung với biển. Họ muốn con cái họ theo nghề, theo vất vả của ông cha xưa.

Thương họ, An càng thương cái nghèo nơi này quá đỗi, thương sắc phong ba mãi xanh dẫu giông tố bão bùng và những con đường luôn êm ái bởi sỏi gạo và cát trắng. An cũng thương mái trường luôn phải dằn buộc bằng bao cát và dây thừng mỗi khi mùa bão đến. Còn đám học trò thì khỏi nói, chẳng nơi nào có thể đáng thương hơn.

- Cố gắng em nhé. - An thủ thỉ khi anh và Ngãi gặp nhau sau một cuộc hẹn hò. – Anh luôn nhớ về em và cầu mong em hạnh phúc.

Ngãi không khóc, cô nhìn về phía biển nơi cô có người thân còn nằm ở đó, nửa tiếc nuối cho mối tình đầu, nửa muốn An đem hết đức tài vì nơi này mà cống hiến. Không ai hiểu chỉ Ngãi hiểu rằng cô đã không vì hạnh phúc của riêng mình mà làm đau đớn bao trái tim.

 

Lý Thị Minh Châu

(Đà Lạt)