Hnh Phúc Cuc Đi

Thc Khanh

 

 

 

Ai cũng có cha có mẹ. Nhưng không phải ai cũng có hạnh phúc được lớn lên có cha có mẹ bên cạnh.

 

Không hiểu tại sao ngày khi còn rất nhỏ, chỉ 7 tuổi, hàng ngày phải đi bộ khoảng một cây số đến trường. Cùng đi trên đường,hàng ngày có một cậu bé cũng bằng tuổi tôi. Cậu cũng đeo cặp trên vai, nhưng cậu bước đi từng bước rất nặng nhọc, vì cậu còn mang theo cặp nạng bên mình, ngày đó chích ngừa sốt tê liệt không được phổ biến như bây giờ. Lúc đó tôi không biết gì về căn bệnh quái ác đó. Tôi chỉ thấy mình may mắn hơn cậu ấy. Tôi có thể chạy thật nhanh, tôi có thể thi đua với các bạn, bước những bước sải thật xa . Nhưng với cậu thì không, lúc nào cũng chỉ từng bước một . Từ đó tôi luôn luôn cố ý đi học sớm hơn mọi lần, để cùng đi đồng hành với cậu. Tôi chẳng giúp cậu được gì, ngoại trừ lúc băng ngang đường, cậu không cảm thấy ngượng ngùng vì bắt xe cộ ngừng lại quá lâu, tôi vẫn là người cũng cùng đi với cậu. Như vậy xe sẽ đợi hai người, chứ đâu phải chỉ mình cậu đâu. Trong khi các bạn khác đã ù chạy mất tiêu.

 

Rồi khi lớn lên, có lần thấy bà nội cầm tờ báo ngược để xem hình,  tôi  mới biết bà nội không biết chữ, và chợt hiểu tại sao người ta gọi là mù chữ. Hoá ra có mắt nhưng không đọc được, thì cũng như mù thôi: mù chữ.

 

Được đi học tôi thấy mình quả là may mắn hơn người. Vì sống trong xóm lao động, nên cũng có người nhờ viết dùm một lá đơn, hoặc giải dùm bài toán cho em nhỏ. Nhất là khi đi dạy học thì ôi thôi thật là ngại ngùng lúc đi chợ , phụ huynh học sinh là các bà bán rau, bán cá bao giờ cũng ưu tiên cho cô giáo. Chẳng biết cô giáo có hơn ai, cũng đang sống dở chết dở với đồng lương chết đói, nhưng khi nói chuyện, họ vô cùng quý trọng, một tiếng cô giáo hai tiếng cô giáo. Như vậy chẳng phải nhờ chữ nghĩa tôi mới có cái may mắn đó hay sao?

 

Tôi vẫn sống hồn nhiên trong gia đình có đầy đủ cha mẹ và anh em. Dù với đồng lương ít ỏi của bố, nhưng anh em chúng tôi chưa phải ăn đói ngày nào, tất cả đều được đi học đến nơi đến chốn.

 

Cuộc sống bình yên có cha mẹ anh em xum vầy. Mấy ai nhận ra sự thiếu thốn về vật chất chẳng có nghĩa lý gì so với sự thiếu thốn về tình thương. Hãy nhìn bức ảnh của một bà mẹ điên đang đùa giỡn với con   một bờ sông miền Bắc VN. Một nhiếp ảnh gia phương Tây, mang máy ảnh đi săn hình. Khi tới một vùng quê phía Bắc VN ông thấy một hình ảnh lạ: một bà mẹ áo quần rách rưới, thật ra bà không mặc áo. Bờ sông về chiều vắng bóng người, chỉ có hai mẹ con của bà ăn mày vẫn đùa giỡn với nhau. Tiếng cười nắc nẻ của thằng con nhỏ và nét mặt rạng rỡ hạnh phúc của thằng bé đã gây sự tò mò của anh chàng săn ảnh. Anh lặng lẽ đi theo để khám phá ra chỗ ở của hai mẹ con là dưới gầm cầu. Bà mẹ không bình thường, nhưng thằng con thì cười đùa hồn nhiên vô tư lự.

 

Hay hình ảnh một ông bố cụt cả hai tay vẫn tắm được cho con mình. Xem Nick Vujicic chẳng có tay có chân gì cả, vẫn làm con trai cười như nắc nẻ. Hình ảnh bố tật nguyền nhưng vô cũng hạnh phúc bên cạnh con mình, làm chạm tới tận cùng trái tim của mọi con người. Mối liên hệ huyết thống là sợi dây vô hình, nhưng vô cùng thiêng liêng gắn bó,chẳng có gì thay thế.

Rồi cuộc đời đưa đẩy,tôi gặp anh: một người mồ côi từ tuổi ấu thơ. Gia đình lại tan nát khi bước chân vào tù, mọi thứ tưởng như đã khép lại với một người không may mắn.Khi con sinh ra thì bố vào tù, khi con lớn lên suốt mấy chục năm không có sự gần gũi, tiếng gọi bố gọi con nghe chừng xa lạ.Ước mơ kỳ vọng cho con những gì bố không có được cũng không thành.Không được nhìn thấy con hàng ngày, cũng như không được nhìn thấy người sinh ra mình từ khi lớn lên. Biên giới vô hình nào đã chia cắt tình phụ tử. Ôi cũng là định mệnh.Anh lại  một con số không như lúc bắt đầu của cuộc đời.

 

Chẳng khi nào trễ, anh và các bạn cùng cảnh ngộ, lại làm lại cuộc đời.

 

Tôi gặp anh trong nhóm toàn những người vừa được tự do từ một nhà tù khổng lồ: trại cải tạo. Các anh đều là những Sĩ Quan của quân lực VNCH. Chẳng bao giờ bạn nghĩ: chỉ vài tháng trước đây,họ còn chia nhau từng miếng khoai củ sắn. Ngày ngày phải làm những việc lao động vô cùng vất vả, theo đúng chính sách trả thù của kẻ thắng cuộc.

 

Nơi anh đến, hàng ngày là nơi quây quần của những người ngày xưa cùng chiến tuyến và ngày nay cùng hội cùng thuyền. Mọi người cười đùa hồn nhiên như trẻ thơ.Họ kể về những chuyện trong tù như những chuyện hài hước của cuộc đời, mà họ là diễn viên chính. Họ gọi nhau bằng những biệt danh được đặt trong tù như cái gì thật hãnh diện.Một chứng tích mấy ai có được.

 

Khi biết chúng tôi cũng là những người ở bên thua cuộc, các anh nói chuyện cởi mở hơn, không cần giữ ý. Vì các anh ở trong nhà tù có kẽm gai bao quanh, còn chúng tôi cũng ở trong nhà tù với biết bao cặp mắt cú vọ rình rập. Hoá ra ai cũng ở trong tù.

 

Các anh chọc ghẹo nhau bằng những biệt danh trong tù: Thăng c, Ngô c, vì cả hai phải lo phần bón phân tươi cho luống rau xanh. Mỗi ngày phải gánh phân người ra chỗ trồng rau.Công việc chẳng đơn giản chút nào, nhưng cũng nhàn hơn cắt giang chặt nứa.

 

Anh khác thì được gọi là thợ rèn, vì đã khéo tay cắt những lon đồ hộp, chế thành bếp dầu hôi tí hon, thế mà bếp cũng ít khi nổi lửa: làm gì có thức ăn dư mà nấu nướng.

 

Có anh lại thắc mắc sao chuột ở đây không có đuôi. Anh hào hứng khoe đã được ăn một con chuột nướng thơm phức, mà nó bị cụt đuôi. Anh nghe im lặng, vì chính anh đã chặt đuôi con chuột đó, anh làm dấu, định nuôi cho nó lớn thêm chút nữa, con chuột nhỏ chưa nhét đủ kẽ răng.Bạn bắt được ăn rồi, huynh đệ chi binh chia ngọt sẻ bùi còn được. Sá gì con chuột, thôi cứ im lặng là vàng cho bạn vui thêm một chút.

 

Những câu chuyện nghe ngậm ngùi, nhưng bây giờ được kể lại như một lẽ tự nhiên về cách đối xử của kẻ tàn bạo. Cái trống cũ của những người thiểu số trong rừng, dù đã bỏ đi vẫn còn được gỡ hai mặt trống rách bươm, chế thành những viên kẹo cao su tưởng tượng. Các anh rửa sạch miếng da trâu, đã được thuộc để làm mặt trống. Luộc nhừ rồi cắt thành những miếng nhỏ, chia nhau mỗi người một miếng dùng làm kẹo cao su,  nhai cho đỡ nhớ mùi thịt cá khi xưa. Mỗi tối mọi người lại được ăn tiệc “ hàm thụ” , mỗi người phải kể về những món ăn ngày xưa, những cơm gà cá gỏi của thưở thanh bình, người nào cũng có gia đình sum vầy, hạnh phúc.

 

Tình cờ bạn của anh tôi cũng cùng ở chung trại cải tạo với anh. Bạn anh tôi kể rằng, vì đói quá nên chui vào rẫy của người Thượng ăn cắp sắn về cho anh em đỡ đói. Không ngờ bị bắt, họ trói anh vào cây cột dựng nơi họ đang có festival lễ hội. Một cái chảo thật to đang sôi sùng sục, chung quanh là những khuôn mặt vẽ hình ma quái đang reo hò nhảy múa. Thỉnh thoảng họ còn hú lên những tràng dài nghe ghê rợn. Ánh lửa bập bùng lại càng làm cho khuôn mặt của người ăn cắp thêm ảo não. Thôi rồi anh sẽ thành món ngon béo bở cho bữa tiệc. Chảo nước sôi đang chờ để quăng anh vào.

 

Nhưng không, họ chỉ ca hát hú hét vì đó là festival của họ. Đã có người chạy tới lán trại, gọi cán bộ ra lãnh anh về. Một kỷ niệm vui nhớ đời.

 

Có anh còn kể chuyện trâu cũng như người. Khi bắt nó làm việc quá nhiều, nó cũng ì ra nhất định không làm nữa. Đừng tưởng chỉ có người mới giả vờ : “sáng tại họ điếc tai cày”.Anh VH kể về chuyện phải giữ hai con trâu lo chuyện kéo những bó nứa khổng lồ, mà các anh phải vất vả cả ngày mới đủ chỉ tiêu qui định. Hoá ra trâu cũng như người, cùng thông cảm cho nhau. Trâu  nghỉ thì người cũng nghỉ.

 

Để đáp lại, những cô học trò bên ngoài vòng kẽm gai cũng khoe thành tích: buôn chui bán nhủi qua mặt tụi bò vàng.Tuổi xuân của chúng tôi cũng tàn tạ theo năm tháng.

 

Bây giờ chúng ta cùng gặp nhau ở đây. Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ, cả hai lứa cùng bên trời lận đận.

 

Có những người xé cờ, thì cũng có những người vá cờ. Những mảnh đời rách nát đã vá víu vào nhau, những thân cây già không cằn cỗi bỗng dưng được hồi sinh nơi mảnh đất tạm dung.

Mỗi năm tới ngày Father day, tôi nhớ đến những người anh và những người cha.

 

Những người lính trẻ VNCH ngày xưa khi xông pha nơi tuyến đầu lửa đạn. Họ cũng có cha già đang chờ ngóng con về.

 

Có những người anh tôi chưa biết tên.

Có những người anh quên tình yêu riêng, xông pha chiến tuyến.

 

Những người lính trẻ chưa kịp làm cha. Và những người đã làm cha,nhưng ray rứt trong cảnh tù đày không lo được cho con.

Như một bản năng của những loài có sự sống. Tình phụ tử thể hiện ngay ở những con vật không có trí khôn: hùm cũng không ăn thịt con.

 

Từ thi ca cho tới đời thường, tấm lòng người cha hay mẹ bao la, mênh mông như trời cao biển rộng.

 

Vị Phó Tổng Thống đương thời, khi xưa đã lái xe mỗi ngày 4 tiếng đi và 4 tiếng về, để chăm sóc cho con nhỏ. Ông vừa làm cha vừa làm mẹ: vợ ông qua đời trong một tai nạn xe hơi. Mỗi ngày có 24 giờ, ông không từ bỏ một nhiệm vụ nào, chu toàn công việc người dân đã tín nhiệm, và người cha trong gia đình.

Chẳng tìm đâu xa nhà văn TQK , được gọi là Q ống khói, vì da ông ngăm đen. Ông cũng vừa làm cha vừa làm mẹ. Nhưng người VN mình còn vất vả trăm bề, dắt díu ba con nhỏ vượt biên nuôi con ăn học nên người. Biết bao câu chuyện về tình phụ tử thiêng liêng. Tổ tiên ta thường nói: tề gia,trị quốc, bình thiên hạ. Gia đình là cái nền tảng đầu tiên để tạo ra một xã hội ấm no tốt đẹp.

 

Trong tác phẩm Nửa Chừng xuân của nhà văn Khái Hưng, cụ Tú Lãm đã trăn trở lòng mình: nhà nghèo, cha chẳng có gì để lại cho các con ngoài những chữ của thánh hiền. Nguyễn Thái Học trước khi bước lên đoạn đầu đài cũng nói với con của mình câu nói để đời:hãy cố gắng nuôi chí lớn,thành người hữu dụng. Nếu chẳng thành công thì cũng thành nhân.

 

Tấm lòng của cha lúc nào cũng chỉ nghĩ đến con. Randy Pausch khi biết mình mắc bệnh ung thư tuỵ tạng sẽ không qua khỏi. Trong bài diễn văn cuối cùng The last lecture, ông gọi là bài học cuối cùng, ông dặn dò con mình:

_ Luôn luôn lạc quan.

_Hãy ước mơ.

_Đừng lo thất bại.

Ước mơ cuối cùng của ông  làm tim mọi người nhói đau.Vì đó là ước mơ ( không thành) của người cha: hãy nhớ rằng lúc nào bố cũng ở cạnh con. Bố lúc nào cũng dõi theo những bước con đi. Thiêng liêng làm sao cho tình phụ tử.

 

Nơi mà bố tôi không muốn tôi thấy. Tác giả của bài báo nói rằng, chợt một ngày ra phố chơi với các bạn, đó là ngày ông mới biết sự thật: một ông già trồi đầu chui  lên từ ống cống bẩn thỉu hôi hám của thành phố, mặt mày lem luốc,lại chính là người bố thân yêu của mình. Mỗi tối ông đã kể cho con nghe bằng những câu chuyện tưởng tượng, nơi ông làm là những toà nhà sang trọng, với máy lạnh mát rượi êm ái vô cùng.

 

Câu chuyện Rừng khóc giữa mùa xuân của Phạm tín an Ninh, kể về người lính BĐQ. Trong lúc tháo chạy ở Ban mê Thuột, khi trúng đạn của quân thù,trên lưng có đứa con trai 3 tuổi. Anh đã cố lết vào thật sâu, nơi an toàn cho đứa con, trước khi gục ngã. Anh biết rằng con anh sẽ sống. Đúng như ước nguyện của người cha, con trai anh đã thành đứa con nuôi của một cặp vợ chồng người Thượng không con. Như một định mệnh của cuộc đời, một món quà trời ban cho cặp vợ chồng này.Mấy chục năm sau, trời đã run rủi, hay linh hồn anh đã sắp xếp cho vợ anh gặp lại đứa con thất lạc.

 

Cuộc trùng phùng như một định mệnh đã an bài. Bà vợ không thể mang hài cốt của anh xa lìa nơi nằm xuống. Con trai bà cũng đã thành cha cha sinh không bằng mẹ dưỡng”. Bố mẹ hiện giờ của con trai bà không hề giấu diếm sự thật. Họ đã kể lại câu chuyện về đứa con họ đã có như một món quà của thần linh cho họ.

 

Người mẹ bây giờ đã yên lòng: chồng bà vẫn nằm đó để thấy con mình khôn lớn, nó cũng có một gia đình êm ấm, và cũng đã làm cha. Cháu bà dù không cùng tiếng nói, nhưng cũng có một đại gia đình hạnh phúc, có ông bà cha mẹ.Người lính BĐQ năm xưa, nơi chín suối hẳn đang mỉm cười khi thấy giọt máu của mình,như cây non đã đâm chồi nảy lộc .

 

Phật nói rằng: chúng ta gặp nhau trên cuộc đời này, là do duyên nghiệp trước kia. Tình cha con cũng là sợi dây trói buộc vô hình: con không chê cha mẹ khó.Trong truyện Kép Tư Bền của Nguyễn công Hoan, ông đã đưa ra hình ảnh ray rứt của một anh hề nghèo. Khi biết có gánh hát xa mời đi diễn,anh không nỡ bỏ cha già yếu ở lại nhà không ai chăm sóc. Nhưng bố anh biết cảnh nhà túng quẫn, đã bắt anh nhận lời. Anh phải xa nhà , còn cha anh thì đang bệnh nặng,không người chăm sóc. Anh cố đóng kịch diễn hề thật hay, để có tiền mang về thuốc thang cho bố. Nhưng không kịp nữa rồi, từ quê nhà nghe tin cha đang hấp hối. Còn một suất diễn cuối cùng, người chủ gánh hát không cho anh bỏ. Anh lại phải ra sân khấu bẹo mặt làm hề mang lại tiếng cười cho người đời: trong héo ngoài tươi.Lòng anh như sát muối, khi tấm màn nhung khép lại, là lúc cả tấm thân anh gục xuống. Ngoài kia tiếng vỗ tay vẫn còn vang dội. Họ tán thưởng tài chọc cười khán giả của kép Tư Bền. Anh nuốt nước mắt vào trong, để hối hả về gặp bố. Nhưng hỡi ơi, đã muộn rồi, anh chỉ còn kịp vuốt mắt bố anh thôi.

 

Tài tử Robin William khi mắc bệnh trầm cảm, bác sĩ của ông chỉ qua bên đường:

-        Bên kia có một anh hề,tài nghệ tuyệt vời, ông hãy qua đó giải trí. Hy vọng sẽ bớt trầm cảm.

 

Thật trớ trêu thay,người mang tiếng cười cho người đời, nhưng không mang được cho mình. Robin đã buồn bã trả lời: thưa ông, anh hề đó chính là tôi!

 

Hạnh phúc cuộc đời như ảo ảnh. Có những người có đầy đủ những gì mà người đời ước mơ: tài năng, tiền bạc, danh vọng, gia đình.

 

Họ vẫn đau khổ.

 

Hạnh phúc là những gì mình có mà người khác không có:

Thân thể toàn vẹn: hãy nhìn những người khuyết tật, hay bệnh tật.

 

Có cha mẹ, anh em.

 

Được ăn học để hiểu biết hơn người thất học.

 

Eileen Simpson viết về cuộc đời mồ côi của bà.Mất mẹ khi 11 tháng( vậy mà bà cũng có được một người chị), bố mất lúc chỉ vừa7 tuổi. Bà ktuổi đã về chiều,một người lạc quan yêu đời, áo quần,tóc tai gọn ghẽ, họ đã buột miệng chẳng có vẻ gì là mồ côi.

Bà Eileen Simpson đã cười hạnh phúc khoe rằng, mặc dù không có cha mẹ, nhưng bà vẫn có được một người chị ruột: đó là điều vô cùng quí giá cho chị em bà. Và bây giờ dù lớn lên trong viện mồ côi, nhưng cả hai chị em đều có bằng đại học và có gia đình riêng hạnh phúc.

 

Còn cha của các đứa con tôi thì hoàn toàn đúng nghĩa mồ côi. Hoàn toàn không biết một ai là thân nhân, không hề có sợi dây huyết thống.

 

Anh bảo rằng không biết cha mẹ là ai, khi có trí khôn chỉ biết mình lớn lên từ viện mồ côi. Nhưng anh vẫn được đi học như bao trẻ khác.Giờ ra chơi anh chỉ đứng xa xa để nhìn các bạn mút những cây cà rem xanh đỏ tím vàng mát lạnh mà ứa nước miếng. Hoặc anh nhìn những cuốn truyện tranh Lucky Luke của những bạn con nhà giàu một cách thèm thuồng. Anh chỉ nhìn thôi chứ không dám mượn, vì anh là đứa trẻ mồ côi chó cậy gần nhà,gà vậy gần chuồng.Những đứa trẻ mồ côi chẳng có ai để mè nheo vòi Vĩnh.

 

Eileen Simpson khi viết về cuộc đời mồ côi của mình trong tác phẩm Orphans.

 

Trẻ mồ côi là những đứa trẻ chẳng bao giờ có quần áo vừa vặn. Quần áo của chúng thường rộng thùng thình hay xộc xệch( ill- fitting). Không có giải trí cho trẻ mồ côi, không có cảnh mè nheo quậy phá hay khóc lóc vòi vĩnh, mà trái lại chúng thường im lặng nhìn khách đến thăm. Cặp mắt chúng như nói ra thông điệp: bạn quả là may mắn, hãy đón nhận chúng tôi về với bạn.

 

Có khi nào bạn thấy tia hy vọng loé lên từ ánh mắt của hai đứa trẻ đang chơi trong sân Viện mồ côi. Chúng bảo  nhau: hy vọng lần này có người nhận mình.

 

Những con chó con mèo chờ người adopt, cũng mang nét câm nín như những trẻ mồ côi.Bạn có nhận thấy điều đó không? Những con mèo con chó có chủ cưng chiều, chúng cũng nhảy nhót như trẻ con làm nũng với bố mẹ.Còn những con mèo, con chó hoang chờ người nhận nuôi, ánh mắt cũng buồn thảm như khuôn mặt của chúng.

 

Loài vật dù không có trí khôn cũng cảm được sự thiếu vắng tình thương như con người.

 

Khi đưa con đi khám bệnh, Bác Sĩ hỏi về tiền sử của gia đình, câu trả lời là không biết. Ngày tháng năm sinh là không rõ.Dĩ nhiên ai cũng có một con số, nhưng chồng tôi đã từ chối không muốn tổ chức sinh nhật. Đã nhiều lần tôi nhắc rằng: sao anh không bắt chước Michael J Fox khi mắc bệnh nan y bất trị, ông vẫn lạc quan yêu đời. Ông bảo rằng “I don’t look at life as a battle”. Hãy bỏ lại quá khứ sau lưng mà vui sống.

 

Cuộc đời là một cuộc phấn đấu chứ không phải là một bãi chiến trường.

 

Cha tôi đã mất từ lâu, nhưng hình ảnh của ông vẫn còn sống mãi trong anh em chúng tôi. Vì những kỷ niệm khi cha còn sống. Ký ức chẳng hề phai, còn cha của các con tôi không có ký ức nào về cha mẹ.

 

Khi được làm cha, anh chăm lo vun xới cho tiểu gia đình của mình như một món quà trời đã ban cho anh. Có lần anh nhìn tôi nói rằng: “kiếp trước chắc em là mẹ của anh. Bây giờ em thành vợ để săn sóc cho anh như mẹ của anh ngày trước. Rồi em lại giúp anh,chăm lo các đứa con của anh nên người.Trời đã đền bù cho anh”.

 

Anh cứ tin tưởng mẹ anh đã đầu thai vào tôi. Chẳng ai thương con lo lắng cho con bằng mẹ. Anh nói như kẻ mộng du, anh nói như an ủi cho mình. Anh bảo rằng mẹ anh đã bỏ anh vơ khi còn quá nhỏ, bây giờ mẹ trở lại dương gian dưới hình ảnh một con người khác. Mẹ đền bù vì xa anh quá sớm, nên đã đầu thai thành một người làm một lúc hai nhiệm vụ: làm vợ và làm mẹ.

Tạ ơn em, tạ ơn em.

 

Thật là một ý tưởng khác thường, nhưng niềm tin của người cha thì mãnh liệt. Mỗi lần nghe anh nói cuộc đời anh cuối cùng đã được đền bù, tôi nói đùa: sao không nghĩ kiếp trước anh là chủ nợ. Sống là để trả nợ cho nhau!

 

Mỗi năm tới ngày Father day, tôi nhớ tới những người anh, những người lính trẻ chưa được làm cha, và những người cha già có con chết trận.

 

Những người cha khi thoát khỏi ngục tù, mang đàn con thơ dại, gầy dựng lại cuộc đời nơi đất khách quê người. Những người cha lưng còng tóc bạc, họ qua đây khi tuổi đã về chiều, nhưng vẫn làm lụng vất vả nuôi con khôn lớn.

 

Thế hệ thứ hai, hậu duệ của những người lính già năm xưa nay đã trưởng thành. Rất nhiều người đã thành công mang vẻ vang cho cộng đồng người Việt hải ngoại. Tất cả con cháu của những người tù nhớ đến công lao của cha ông.

 

Father day, Mother day là những ngày lễ trân trọng nhất cho những ai còn cha mẹ.

 

Những người con và những người cha đều là vòng luân hồi vay trả của cuộc đời.

Nước mắt chảy xuôi, lá rụng về cội.

 

Paul Anka đã nói dùm chúng ta về mối liên hệ cha con trong bài hát PAPA bất hủ.

Cha chẳng bao giờ chết, các con của con vẫn mang hình ảnh của cha trong đó.

Hạnh phúc thay cho những người có cha mẹ bên mình.

 

 

Ngày Father day xin gởi lời chúc tốt lành tới tất cả những người cha đã hy sinh tất cả cuộc đời cho con . Những người không có cha bên cạnh hãy tin rằng: ở một nơi nào đó người cha thân yêu của mình vẫn dõi theo con tới suốt cuộc đời.

 

Thục Khanh